Không nên cho trẻ 5 tuổi sử dụng ván trượt điện tử bởi dễ bị ngã gây nguy hiểm. Ảnh: P.T
Chấn thương vì chơi ván trượt điện
Xe trượt 2 bánh hay còn gọi là hoverboard hoặc ván trượt điện tự cân bằng đã trở thành một món đồ chơi được nhiều người ưa thích, nhất là với các bạn trẻ. Được biết, thiết bị này có thiết kế giống một chiếc ván trượt nằm ngang. Ở giữa là một tấm ván để người chơi đứng lên, hai bên ván có gắn bánh xe. Thiết bị hoạt động nhờ động cơ dùng nguồn điện sạc bên trong máy.
Để điều khiển, người chơi chỉ cần giữ thăng bằng rồi nghiêng người qua trái, qua phải là hướng đi xe sẽ thay đổi theo. Nếu muốn tăng tốc độ, ngả người về phía trước. Ngược lại, để giảm tốc độ hay dừng lại thì ngả người về phía sau hoặc chạm chân xuống đất. Xe có thể chạy với vận tốc khoảng 20km/giờ. Dịch vụ cho thuê xe được mở tại nhiều vườn hoa, công viên với giá từ 30.000 – 40.000 đồng cho 30 phút sử dụng.
Theo nhiều tín đồ của trò chơi này, dù khá dễ chơi nhưng trò chơi này cũng sẽ tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Từng sử dụng ván trượt điện khá lâu, anh Hoàng Duy (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Khó nhất là lúc mới lên ván trượt vì nó hơi chòng chành. Khi chơi, việc cân bằng trên xe phụ thuộc vào chân và cơ thể. Người chơi không lướt một cách dứt khoát có thể ngã bất cứ lúc nào, nếu không có thiết bị hỗ trợ khi ngã rất dễ bị chấn thương. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi mua mọi người cần chú ý đến bộ phận pin sạc, cần tham khảo để tránh mua hay dùng loại rẻ tiền gây nổ khi sạc pin”.
Thực tế đã có trường hợp gặp nguy hiểm từ ván trượt điện. Như trường hợp con trai chị Nguyễn Thị Hiền (ở La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi, vì hậu quả do sử dụng ván trượt điện. Chị Hiền kể: “Thấy con hứng thú với trò chơi, mình đã cho con chơi thử. Lúc đầu có người đỡ thì không sao nhưng khi biết đi rồi các cháu thách đố nhau đua xem ai nhanh. Lúc dừng ván trượt lại dù thực hiện đúng theo hướng dẫn của người thuê xe, cháu lớn 9 tuổi đã đặt chân xuống nhưng do bị hẫng bước nên cháu bị ngã. Theo phản xạ khi ngã, cháu đã chống tay trái xuống đất để chống đỡ cơ thể nên bị gẫy tay. Cháu đã phải vào bệnh viện để nắn tay và bó bột”.
Trước đó, một cô bé 11 tuổi tại Florida (Mỹ) đã bị bỏng vì chiếc xe điện đột ngột bốc cháy và phát nổ. Một trường hợp khác cũng xảy ra tương tự ở Alabama khi người đàn ông đang trượt chiếc xe xuống vỉa hè. Và ván trượt điện tự cân bằng cũng được cho là nguyên nhân chính đã phá hủy một ngôi nhà ở Louisiana.
Nguy cơ cháy nổ
Không chỉ ẩn chứa nguy cơ chấn thương khi chạy, ván trượt điện tự cân bằng còn ẩn chứa hiểm họa cháy nổ. Theo cảnh báo của Liên minh châu Âu, loại xe này có nguy cơ quá nóng khi pin được sạc đầy, có thể bắt lửa và phát nổ. Riêng ở Mỹ từ cuối năm 2015 đến hết tháng 2/2016 đã có 52 vụ cháy vì ván trượt điện tự cân bằng tại 24 bang. Thậm chí, một số nhà phân phối bán lẻ lớn như: Target, Toys ‘R' Us, Amazon… đều ngừng bán ván trượt điện tự cân bằng do nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra, nhiều hãng hàng không liệt sản phẩm này vào đồ chơi gây nguy hiểm và từ chối vận chuyển; nhiều trường học ở Mỹ ra quy định cấm sử dụng ván trượt điện tự cân bằng trong khuôn viên…
Chính phủ Anh cũng từng thu giữ 15.000 ván trượt điện tự cân bằng do các vấn đề an toàn về phích cắm, dây cáp, sạc và pin khiến thiết bị dễ bị chập mạch, làm tăng nguy cơ phát nổ và bắt lửa.
PGS.TS Nguyễn Trường Luyện, Viện Vật lý Kỹ thuật (ĐHBK Hà Nội) cho rằng, nguyên lý cân bằng sản phẩm chuyển động dựa trên con lắc hồi chuyển đã được định hướng sẵn (hướng cân bằng) trong khi chuyển động, bất kỳ sự lệch khỏi cân bằng được xác định và bộ vi xử lý sẽ điều khiển 2 bánh xe chuyển động khác nhau để tái lập lại sự cân bằng. Do nguồn năng lượng điện sử dụng được cấp từ bộ pin lithium nên nếu sử dụng không đúng (sử dụng quá nhiều, bảo dưỡng không tốt, pin không đúng chuẩn...) sẽ có khả năng phát nổ.
Hơn nữa, do thiết bị có thể di chuyển với tốc độ ngang xe đạp điện, trong khi không có tay nắm, người chơi không được trang bị đồ bảo hộ sẽ vô cùng nguy hiểm, khi người chơi không kiểm soát được tốc độ, đặc biệt khi gặp chướng ngại vật hay vào các khúc cua người chơi có thể bị ngã dẫn đến chấn thương, nhẹ thì chầy xước, gãy chân tay; nặng hơn có thể chấn thương sọ não.
“Người chơi patin hay ván trượt điện tử không nên quá nhỏ (5 tuổi) vì với tuổi đó thần kinh điều khiển vận động của các cháu chưa phát triển đầy đủ, tâm lý các cháu chưa vững vàng nên với một sự cố nhỏ, các cháu không xử lý được rất dễ bị ngã nguy hiểm”, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện khuyến cáo.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, với những trò chơi mạo hiểm nói chung ở các khu vui chơi giải trí cũng như tự phát trong giới trẻ thì những người bị cao huyết áp, bệnh tim… cần hết sức thận trọng. Trò chơi mạo hiểm có thể gây nguy hiểm, nếu bị ngã thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng.
Khi chơi ván trượt nên chú ý: - Kiểm tra các bộ phận ván trượt. - Khi tham gia các trò chơi, đặc biệt cần tuân thủ các yêu cầu, cảnh báo về tốc độ khi vui chơi để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Chuyển động với tốc độ vừa phải. - Chơi ván trượt ở những khu vực thích hợp, ít các phương tiện giao thông khác. - Được cho là môn thể thao mạo hiểm nên khi chơi bạn nên có thiết bị bảo hộ như miếng đệm tay, đệm đầu gối chân, phải đội mũ bảo hiểm như những vận động viên xe đạp. |