Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực

Yên Bái - nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp kết hợp với truyền thống văn hóa lâu đời đã tạo nên những tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm gần đây, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có nhiều thế mạnh và được ưu tiên tập trung đầu tư.

Du lịch phải là một trong những ngành kinh tế quan trọng

Với mục tiêu đưa du lịch tỉnh trở thành ngành kinh tế chủ lực, đồng thời hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ngay từ đầu năm 2022, tỉnh Yên Bái đã khởi động các hoạt động dịch vụ du lịch để phục vụ du khách với chủ đề: “Yên Bái - Điểm đến an toàn, hấp dẫn và ấn tượng”.

Tỉnh Yên Bái xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có nhiều thế mạnh và được ưu tiên tập trung đầu tư.

Tỉnh Yên Bái xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có nhiều thế mạnh và được ưu tiên tập trung đầu tư.

Bên cạnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về mở cửa đón khách du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Yên Bái đều ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Tỉnh cũng có nhiều chính sách đặc thù nhằm ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân phát triển du lịch; đồng thời, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó tập trung khai thác lợi thế để phát triển du lịch. 

Trong năm 2022, tỉnh Yên Bái tập trung nguồn lực xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế; nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách. Xây dựng sản phẩm du lịch Yên Bái qua các loại hình phù hợp như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, mạo hiểm, trải nghiệm, du lịch tâm linh. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí, khách sạn… tại các điểm có tiềm năng phát triển du lịch.

Xây dựng hình thành và phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm (vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và vùng phụ cận; vùng du lịch miền Tây (Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu và Mù Cang Chải) và vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên). Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá du lịch với nhiều kênh thông tin nhằm thu hút khách du lịch đến với tỉnh Yên Bái trên các phương tiện thông tin đại chúng mạng xã hội, fanpage, website du lịch.

Hồ Thác Bà - Một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Yên Bái đang được chú trọng đầu tư (ảnh baoyenbai).

Hồ Thác Bà - Một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Yên Bái đang được chú trọng đầu tư (ảnh baoyenbai).

Đặc biệt, trong tháng 4/2022, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị kích cầu phát triển du lịch “Yên Bái - điểm đến thân thiện, an toàn, bản sắc, hấp dẫn và ấn tượng" nhằm đánh giá những khó khăn, thách thức của du lịch Yên Bái trước tác động của dịch bệnh COVID-19; làm rõ những cơ hội, lợi thế và giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Nhờ những chính sách, kế hoạch kích cầu bài bản, du lịch Yên Bái đã có những khởi sắc và phục hồi rõ nét. Trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động du lịch tỉnh Yên Bái được phục hồi nhanh chóng. Toàn tỉnh đã đón trên 805 nghìn lượt khách, tăng 59,6% so với cùng kỳ, doanh thu đạt gần 525 tỷ đồng, tăng 96,5% so với cùng kỳ. 

Phấn đấu đón trên 2,5 triệu lượt khách vào năm 2030

Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Yên Bái phấn đấu năm 2025 đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó 400.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12.500 lao động. Đến năm 2030 đón trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 800.000 lượt khách. Doanh thu đạt khoảng 4.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho 33.600 lao động trong lĩnh vực du lịch.

Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp về phát triển du lịch, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và tư duy trong phát triển du lịch của các thành phần kinh tế và nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, thu hút đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch bảo đảm phát triển du lịch bền vững.

Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2030 đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 4.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho 33.600 lao động (Ảnh MH).

Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2030 đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 4.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho 33.600 lao động (Ảnh MH).

Tập trung mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch đặc trưng phù hợp với tiềm năng tại các vùng du lịch trọng điểm. Triển khai xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách về khuyến khích phát triển du lịch. Cùng với đó, bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và tài nguyên du lịch khác để phát triển du lịch.

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch hướng đến tính chiều sâu về chất lượng dịch vụ. Đổi mới cách thức, nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động du lịch. Phát triển du lịch thông qua các hoạt động liên kết hợp tác với một số địa phương trong và ngoài nước. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường lành mạnh trong phát triển du lịch.