Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp

Hát Xoan Phú Thọ là trường hợp đầu tiên trên thế giới có hồ sơ báo cáo trình UNESCO đưa di sản ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, sau 4 năm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể…

 

 

Tỉnh Phú Thọ vừa chính thức đệ trình hồ sơ, báo cáo UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi danh mục Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc sở VH,TT&DL Phú Thọ, các hoạt động bảo tồn Hát Xoan ở Phú Thọ đã được thực hiện với tầm nhìn có tính chiến lược, bắt đầu từ việc kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng, nhận diện những bài bản cốt lõi của Hát Xoan, hỗ trợ khẩn cấp việc trao truyền từ các nghệ nhân tuổi đã cao cho học trò kế cận và những người này có thể dần thay thế được các nghệ nhân điều hành các phường Xoan và chủ động tổ chức các lớp truyền dạy cho con em của họ.

Bên cạnh đó là củng cố 4 phường Xoan gốc với nền tảng vững chắc, tăng nhanh số lượng người nắm vững Hát Xoan và lớp khán giả của Hát Xoan lên nhiều lần. Do vậy, cùng với sự biến chuyển về nhận thức, sự phục hồi Hát Xoan mở rộng dần, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (từ 80 đến 104), chỉ có 7 cụ còn khả năng thực hành, truyền dạy bài Xoan cổ cho lớp trẻ thì đến nay đã đào tạo được 62 nghệ nhân kế cận có khả năng truyền dạy, tư liệu hóa 31 bài cơ bản của 3 chặng Hát Xoan do các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ và truyền dạy hầu như đầy đủ cho lớp nghệ nhân kế cận.

Tính đến tháng 11/2015 Phú Thọ có 28 câu lạc bộ Hát Xoan với số hội viên lên tới trên 1.100 người. Đồng thời, 19 di tích liên quan tới hát xoan, đặc biệt Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đới xã Kim Đức và đình An Thái xã Phượng Lâu (thành phố Việt Trì) - những di tích cổ gắn với sự ra đời hát xoan đã và đang được khôi phục, tu bổ, tôn tạo đưa vào sử dụng. Tỉnh Phú Thọ cũng đã đưa hát xoan vào trong trường học để hát xoan lan tỏa trong cộng đồng. Cụ thể, 80/90 trường học ở thành phố Việt Trì đã gắn kết hát xoan với chương trình của nhà trường… 

Trong 4 năm (từ 2011 - 2015), tỉnh Phú Thọ đã tích cực triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ và có những bước tiến tiên phong trong việc xây dựng đề án bảo tồn Hát Xoan, đề ra và thực hiện chính sách tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân ở các phường Xoan trên địa bàn ngay sau khi di sản được vinh danh. Điều này đã khích lệ các nghệ nhân Hát Xoan, đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho Nhà nước ban hành các chính sách, phê duyệt các đề án, dự án bảo vệ, nhanh chóng đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa khẳng định: “Hát Xoan đã được nhanh chóng bảo vệ khẩn cấp bằng những biện pháp cụ thể. Biện pháp đầu tiên đó là bảo vệ con người. Các nghệ nhân Hát Xoan đã được quan tâm đầu tư để có điều kiện tham gia vào việc truyền dạy. Hiện nay, 29/31 bài bản cổ đã được các nghệ nhân lão thành Hát Xoan trao truyền trực tiếp cho 62 nghệ nhân kế cận, điều đó có ý nghĩa quan trọng tạo ra lớp thế hệ mới để bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan.

Điểm thứ hai là, mỗi phường Xoan đã được quan tâm đầu tư và hỗ trợ để cộng đồng thực hành thường xuyên, để lửa Xoan vẫn sống trong cộng đồng trong suốt 4 năm qua và tạo ra nhận thức đầy đủ về Xoan, về giá trị di sản cũng như tạo ra một lớp công chúng trẻ hiểu về Xoan và bắt đầu yêu Xoan, thực hành bảo vệ Xoan một cách tự nguyện”.

 

 

Cũng theo TS Lê Thị Minh Lý, Hát Xoan Phú Thọ đã được đưa vào nhà trường như một môn học tự nguyện về lịch sử, văn hóa địa phương, các em có điều kiện để hiểu về di sản của chính quê hương mình và điều quan trọng là có một lớp công chúng, khán giả mới cho Hát Xoan. Ngoài ra, Phú Thọ còn làm rất tốt việc nghiên cứu, quảng bá giới thiệu Hát Xoan. “Tôi thực sự ấn tượng với những kết quả mà tỉnh Phú Thọ cùng với cộng đồng nhân dân các phường Xoan gốc đã làm trong 4 năm qua để bảo vệ Hát Xoan. Và tôi nghĩ rằng, chúng ta đã qua được tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp để bắt tay vào một giai đoạn mới: Đó là bảo vệ Xoan một cách bền vững” – TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

Theo quy định của UNESCO, cứ 4 năm, các quốc gia thành viên sở hữu di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp phải báo cáo UNESCO một lần. Năm 2014, 8 di sản cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại trong đó có ca trù của Việt Nam đã báo cáo UNESCO về những việc đã làm được trong bảo tồn. Nếu được ghi nhận tính bền vững, năm 2017 sẽ có kết quả về việc Hát Xoan có được vinh danh ở hạng mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hay không.