o
Vừa chỉ tay vào thùng xe, ông Thành buồn rầu bảo: “Đấy chú xem, đi từ miền Nam ra đây mất 2 ngày, nằm chờ trên đường vào cửa khẩu thêm 5 ngày trời. Vừa đến lượt xuất hàng qua Trung Quốc, tưởng kéo lại đồng vốn, nào ngờ dưa hấu bị trả về cả nửa xe lên đến gần 6 tấn, tôi hết đường về quê luôn đấy”.
Lý giải về nguyên nhân, ông Thành cho biết: Dưa của ông được lấy từ huyện An Khê (Gia Lai). Do khi thu mua, vận chuyển, “nằm” chờ dài ngày nên dưa bị nám, hỏng nhiều, lại thêm việc không có bao bì, nhãn mác như phía bạn hàng yêu cầu nên bị ép giá. Giờ chỉ bán được với giá 1,7 nhân dân tệ/kg dưa loại 1, có lúc giảm còn 1,5 nhân dân tệ/kg ( khoảng từ 5.000 đồng đến 9.000 đồng/kg).
“Không những bị ép giá, mà chủ hàng và lái xe còn phải bỏ ra nhiều chi phí khác lên đến trên dưới 10 triệu đồng tùy vào các loại và kích cỡ, trọng lượng xe. Ví như xe tôi loại 3 chân 12 tấn, chịu tiền bến bãi khoảng hơn 3 triệu đồng, bồi dưỡng bốc xếp 2 triệu đồng… Đến giờ coi như trắng tay, chả biết lấy tiền đâu mà về quê nữa” – ông Thành ngậm ngùi.
Theo ông Thành, còn nhiều xe hàng khác còn rơi vào hoàn cảnh thê thảm hơn. Ví như chủ xe tải 51R-10155 bán lỗ nặng không có tiền đóng bến bãi vẫn “nằm chờ”, xe 71R-004177 chịu lỗ trên 50 triệu đồng…
Cũng rơi vào tình cảnh "khóc dở mếu dở", bà Trần Thị Huyền, một chủ đầu mối thu mua dưa ở An Giang cho biết: “Thời gian đầu ngóng thấy giá còn lên được gần 20.000 đồng/kg, tôi cố thu mua nhiều để lấy lãi. Nhưng đến khi lên cửa khẩu “nằm chờ” 5, 6 ngày, khi giá dưa bị giảm xuống còn 6.000 đồng/kg mới xuất bán được, tính ra lỗ đến cả trăm triệu đồng chứ có ít đâu”.
Cũng theo bà Huyền, nguyên nhân cũng do một phần các chủ thương lái người Việt tránh bị thu phí bến bãi nên găm hàng bên cửa khẩu chờ giá lên mới xuất hàng sang, nhưng càng chờ giá càng giảm, cộng với thời tiết thất thường, dưa, chuối…, hỏng nhiều nên phải gánh lỗ là chuyện rất bình thường.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong chiều 7/4 và sáng 8/4, tại các tuyến đường vào cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), tình trạng dồn ứ có phần giảm nhiệt, song vẫn khá căng thẳng.
Bà Đặng Thị Ngân, Chi cục phó Chi Cục Hải quan Tân Thanh cho biết: "Mặc dù tổ công tác liên ngành đã làm việc hết sức, đảm bảo thủ tục xuất nhập khẩu cho các xe hàng qua biên giới luôn nhanh chóng nhưng các chủ hàng vẫn giữ tâm lý chờ giá, chưa muốn đưa hàng qua biên giới bán nên vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ. Theo dự đoán của chúng tôi, mặc dù vẫn còn ùn ứ kéo dài, song, với tiến độ thông thương như hiện nay chỉ khoảng 2 đến 3 tuần nữa sẽ chấm dứt tình trạng này”.
Dưới đây là hình ảnh mà phóng viên ghi lại được tại các tuyến đường vào cửa khẩu Tân Thanh trong chiều 7/4 và sáng 8/4: