Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đưa khởi nghiệp vào trường học

Phong trào khởi nghiệp trong thế hệ trẻ đang phát triển mạnh mẽ cùng nhiều ý tưởng tiềm năng. Ngay từ bậc THPT, nhiều học sinh đã có những dự án tạo dấu ấn, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

BTC trao giải Nhất cho các em học sinh đoạt giải cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp khối học sinh năm 2022.

BTC trao giải Nhất cho các em học sinh đoạt giải cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" khối học sinh năm 2022.

Khởi nguồn ý tưởng từ khát khao mãnh liệt

Với “Ứng dụng hỗ trợ quản lý dùng thuốc và kết nối trong điều trị” (Wellife) giúp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, nhóm học sinh Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc) vừa xuất sắc đoạt giải quán quân khối học sinh tại cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-STARTUP) lần thứ 4.

Dự án được thực hiện bởi 4 học sinh Trường THPT Trần Phú, gồm Bùi Xuân Minh, Trần Minh Ðức, Ðặng Lê Khánh Ly, Nguyễn Trung Quân.

Chia sẻ về ý tưởng dự án Wellife, em Bùi Xuân Minh - trưởng nhóm cho biết, bắt nguồn từ việc bà ngoại em bị cao huyết áp nhưng khó khăn trong việc đi khám định kỳ và liên hệ với bác sĩ. Bà bị đột qụy mà không được phát hiện, cấp cứu kịp thời nên đã ra đi. Nỗi đau đó thúc đẩy em rủ bạn bè cùng tham gia thiết kế phần mềm thông minh trên thiết bị di động để hỗ trợ bệnh nhân chăm sóc và theo dõi sức khỏe thường xuyên.

Quá trình thực hiện Dự án đối mặt với nhiều khó khăn, bởi cả nhóm chưa có kiến thức về kỹ thuật và kinh doanh, mọi công việc đều phải tự mày mò, tìm hiểu, học hỏi. được thầy cô giáo tận tình hướng dẫn về công nghệ, hỗ trợ cơ sở vật chất, nhóm vừa làm, vừa khắc phục khó khăn, điều chỉnh kỹ thuật... Em Bùi Xuân Minh cho biết, Wellife được cài đặt trên thiết bị di động đóng vai trò như một bác sĩ gia đình, giúp người dùng sử dụng thuốc đúng theo phác đồ điều trị, lưu trữ hồ sơ sức khỏe, kết nối với nhân viên y tế khi cần thiết, hỗ trợ tra cứu thông tin về thuốc và đưa ra những lựa chọn thay thế về loại thuốc… Wellife là ý tưởng sáng tạo, nhân văn, có giá trị thiết thực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giúp giảm bớt áp lực lên đội ngũ y, bác sĩ; đồng thời, giúp bệnh nhân và người nhà yên tâm, không lo lắng khi bị đứt gãy kết nối với bệnh viện và bác sĩ.

Chia sẻ về tương lai phát triển của Dự án, em Nguyễn Trung Quân cho biết: "Sau khi đoạt giải Nhất tại SV-STARTUP lần thứ 4, dự án của chúng em được nhiều doanh nghiệp, đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ kinh phí khởi nghiệp; đặc biệt, được Ðại học Phenikaa trao học bổng toàn phần có giá trị hàng tỷ đồng nếu nhập học trong năm học 2022-2023 và mời hợp tác làm dự án "Bệnh viện không tường". Chúng em đang tiếp tục đầu tư thời gian, tâm sức để hoàn thiện ứng dụng Wellife. Thời gian tới, dự kiến Wellife sẽ được ứng dụng trên địa bàn tỉnh và sau 4 năm sẽ phát triển trên phạm vi cả nước. Hy vọng, trong tương lai ứng dụng Wellife sẽ trở thành một App hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân.

Cô Nguyễn Thị Phương Dung - Giáo viên dạy Vật lý Trường THPT Trần Phú, người hướng dẫn trực tiếp Dự án chia sẻ: "4 em trong nhóm rất có trách nhiệm, tâm huyết, say mê và sáng tạo. Cuộc thi đã biến các em từ những học sinh phổ thông không biết gì về kinh doanh thành những CEO, nhà sản xuất, và giờ là mong muốn được khởi nghiệp, kinh doanh và trải nghiệm. Bên cạnh đó, Cuộc thi đã truyền lửa cho thế hệ trẻ, giúp các em vững tin vào khả năng của chính mình khi tham gia vào khởi nghiệp, giúp nhiều học sinh khác có nguồn động lực để theo đuổi đam mê”.

Ngoài ra, còn nhiều dự án khả thi khác của các em được trao giải tại SV-STARTUP cũng rất ấn tượng như Dự án "Signtegrate - Giải pháp hỗ trợ giao tiếp dành cho người khiếm thính tại Việt Nam bằng ứng dụng dịch thuật ngôn ngữ ký hiệu sử dụng trí tuệ nhân tạo” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được nhận giải Nhì.

Nhóm tác giả Ứng dụng hỗ trợ quản lý dùng thuốc và kết nối trong điều trị (Wellife) là 4 học sinh trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc).

Nhóm tác giả Ứng dụng hỗ trợ quản lý dùng thuốc và kết nối trong điều trị (Wellife) là 4 học sinh trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc).

Truyền lửa cho thế hệ trẻ tham gia khởi nghiệp

Ðề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Ðề án 1665) ban hành kèm theo Quyết định số 1665/QÐ-TTg ngày 30/10/2017 đã đem lại một luồng sinh khí mới, sự hào hứng cho học sinh, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học, khát khao biến ý tưởng sau mỗi bài học thành hiện thực. Sau 4 năm thực hiện, Ðề án 1665 tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên, đã thu hút được hơn 1.600 dự án khởi nghiệp, là môi trường quan trọng kết nối ba nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà đầu tư. Hoạt động khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục phổ thông và đại học trên cả nước ngày càng có nhiều khởi sắc, góp phần hiện thực hóa nhiều ý tưởng khởi nghiệp, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Tại SV-STARTUP năm 2022 diễn ra ngày 26/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: “Muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ chính kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam. Ðưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường không chỉ ở bậc đại học, sau đại học mà từ các cấp học. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực.”

“Phong trào khởi nghiệp trong thế hệ trẻ đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu”.

                                                               - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

 

Thủ tướng nhấn mạnh: “Ðể phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, chúng ta phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị chứ không phải là nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào. Phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy và hành động”.

Thủ tướng cũng đề cập việc tạo môi trường, thu hút nguồn lực để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường, giảng viên, sinh viên; tăng cường đầu tư nguồn lực vật chất cho khởi nghiệp như phòng thí nghiệm đạt chuẩn, nguyên liệu để sản xuất thử nghiệm, vốn hỗ trợ ban đầu cho các dự án, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nguồn ngay trong trường đại học. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kết nối Nhà nước - nhà trường - nhà đầu tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, kết nối trong nước và quốc tế...