Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đưa kịch vào Nhà hát lớn: Cú hích cho sân khấu kịch

Bộ VH-TT&DL cho biết, 5 nhà hát kịch hàng đầu cả nước với những nghệ sĩ tên tuổi sẽ cống hiến cho khán giả những vở kịch chất lượng cao trong chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian”.

 

Sức sống những vở kịch còn mãi với thời gian

Chuỗi hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội theo chủ trương bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, xây dựng tác phẩm chất lượng cao của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ được tiếp nối với chuyên đề kịch mang tên “Những vở kịch còn mãi với thời gian”.

Những vở diễn cũng đa dạng và phong phú về đề tài. Khán giả yêu thích sân khấu cổ điển có thể lựa chọn “Vòng phấn Kavkaz”- vở kịch kinh điển của Bertol Brecht. Người yêu mến kịch của Lưu Quang Vũ lại có dịp thưởng thức một vở kịch nổi tiếng của ông với “Ai là thủ phạm”. Bên cạnh đó, khán giả yêu thích sân khấu chính kịch chuẩn mực cũng có thể tiếp tục lựa chọn: "Công lý không gục ngã", "Cát bụi", "Bỉ vỏ…". Khán giả yêu thích sân khấu hài sẽ hài lòng với đêm diễn của “Lão hà tiện”. Ngoài ra, các vở diễn mới được dàn dựng và các vở diễn đã đoạt giải thưởng của các nhà hát cũng “hội ngộ” tại “thánh đường” sân khấu Nhà hát Lớn, đem đến cho khán giả nhiều sự lựa chọn hơn.

 

 

Trong số các vở diễn "còn mãi với thời gian" này, có những vở diễn đã có "thâm niên" tới 14 năm như vở "Cát bụi" của Nhà hát Kịch Hà Nội và đến nay vẫn luôn nằm trong kịch mục của Nhà hát, cũng như luôn được các khán giả yêu cầu mỗi khi có lịch diễn. Cũng có những vở diễn vừa ra lò như "Lão hà tiện" của Nhà hát Kịch Việt Nam, đây là lần đầu tiên vở diễn lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Điều đặc biệt là trong số những vở diễn này, có những đạo diễn xuất hiện với nhiều vở, như đạo diễn NSND Lê Hùng với 3 vở, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang với 2 vở diễn. Điều này hoàn toàn là ngẫu nhiên, bởi tham gia chương trình này, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), đơn vị chủ trì triển khai dự án hoàn toàn để cho các đoàn tự chọn vở diễn của mình.  

 Theo ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, chủ trương của Bộ VH-TT&DL không chỉ lựa chọn các đơn vị của Bộ vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn mà sẽ mời các đoàn nghệ thuật, các nhà hát trong cả nước đến biểu diễn tại Nhà hát Lớn với những chương trình có chất lượng cao nhất. Với chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian”, sau 5 nhà hát tại Hà Nội, lần lượt các Nhà hát, các đoàn nghệ thuật trên cả nước cũng sẽ đến biểu diễn tại Hà Nội trong các năm tiếp theo”.

Giữ được niềm tin vào nghề cho nghệ sĩ

Đưa kịch vào Nhà hát lớn biểu diễn sẽ khích lệ, động viên đối với nghệ sĩ rất nhiều. NSƯT Chí Trung- Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, hoạt động sân khấu rất khó khăn trong bối cảnh khán giả không quan tâm đến nghệ thuật. Chủ trương tổ chức những đêm diễn kịch nói “Những vở kịch còn mãi với thời gian” không phải là cứu cánh của ngành sân khấu nhưng sẽ khích lệ nghệ sĩ giữ niềm tin và tình yêu vào sân khấu. Các nghệ sĩ trẻ của sân khấu hiện nay đi đóng phim, đi diễn show bên ngoài rất nhiều, nhưng khi Nhà hát gọi về diễn kịch, các em sẵn sàng trở về ngay và đều nhiệt tình biểu diễn, tập luyện. Vào Nhà hát Lớn biểu diễn, chắc chắn cảm xúc của nghệ sĩ thăng hoa hơn.

Còn Đại tá, NSƯT Nguyễn Ngọc Thư - Giám đốc Nhà hát kịch nói Quân đội cho biết, chúng tôi, đặc thù là biểu diễn phục vụ bộ đội, chiến sĩ, có đối tượng phục vụ riêng nhưng nhìn chung, sân khấu đang rất khó khăn và nghệ sĩ rất vất vả để giữ nghề. Và việc đưa kịch vào biểu diễn tại Nhà hát lớn sẽ là động lực lớn, sát cánh cùng nghệ sĩ trên con đường nghệ thuật.

 

 

NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam mong muốn qua chương trình này, sẽ xây dựng sức mạnh tập thể của sân khấu kịch, từ đó giữ lại niềm tin cho các nghệ sĩ kịch. Theo NSƯT Xuân Bắc, chúng ta cần phải đưa chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu. Chất lượng nghệ thuật ở đây không chỉ là chất lượng mang tính học thuật mà chất lượng mà tính thời đại, phải là hơi thở của ngày hôm nay, tiếng nói của ngày hôm nay. Đó không chỉ là tiếng nói của nghệ sĩ, mà còn là sự mong muốn của khán giả.

Thứ hai là việc marketing quảng bá. Điều này không phải tôi nói mà là quy luật do chính những giáo sư hàng đầu thế giới đưa ra. Nếu không quảng bá là đi ngược lại quy luật phát triển. Phải giới thiệu cho mọi người, nói cho mọi người biết cái mình đang có và chứng minh cái mình đang có là cái mà mọi người cần. Đồng quan điểm trên, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội khẳng định, chủ trương biểu diễn kịch ở Nhà hát Lớn hỗ trợ rất nhiều cho các đoàn kịch. “Chúng tôi rất mong khán giả sẽ có cái nhìn gần gũi hơn đối với các nghệ sĩ, cũng như mở lòng ra đón nhận sân khấu kịch một cách thiện cảm, đó cũng là động lực rất lớn cho các nghệ sĩ như chúng tôi có thêm tự tin và niềm đam mê đối với nghệ thuật truyền thống này. Vì vậy, làm thế nào để kéo được khán giả đến với nghệ thuật sân khấu sẽ là một việc hết sức khó khăn, nó cần có sự chung tay của tất cả chúng ta chứ không chỉ đối với các nghệ sĩ của sân khấu kịch.” - NSND Trung Hiếu nhấn mạnh.

Đưa sân khấu kịch vào Nhà hát lớn biểu diễn, cho dù “Những vở kịch còn mãi với thời gian” nhưng với tần xuất 11 đêm diễn chúng ta cũng chưa hi vọng nhiều vào sự khởi sắc cho ngành sân khấu ngay nhưng sẽ tạo động lực cho hàng nghìn nghệ sĩ làm nghề với sự đam mê, lòng khát khao đến mãnh liệt đối với sân khấu kịch truyền thống.