Ngày nay, giống như các nước phương Tây, ngày càng nhiều phụ huynh quyết định cho con ngủ riêng ngay từ sớm. Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu lại chứng minh rằng có vô số những lợi ích khi các thành viên trong gia đình ngủ chung với nhau trên một chiếc giường hoặc trong cùng một phòng.
Trước hết, ngủ cùng cha mẹ giúp trẻ tự tin và hạnh phúc hơn. Một cuộc khảo sát được thực hiện với một nhóm sinh viên khoa tâm lý cho thấy những người trưởng thành lúc nhỏ được ngủ chung với bố mẹ "tự tin hơn, ít cảm giác tội lỗi và lo lắng hơn". Điều này đặc biệt đúng ở nam giới.
Một người được hỏi thậm chí còn nói: "Tôi luôn có cảm giác an toàn khi biết rằng nếu tôi gặp ác mộng, tôi có thể bò lên giường với bố mẹ".
Hơn nữa, những phụ huynh cho con ra ngủ riêng làm như vậy để khuyến khích khả năng tự lập ở con cái họ, vì ngủ riêng thường được cho là có sự tương quan với khả năng tự lập. Tuy nhiên, Tiến sĩ James McKenna, giám đốc của Phòng nghiên cứu giấc ngủ hành vi của mẹ và bé tại Đại học Notre Dame chỉ ra rằng việc ngủ chung có thể thực sự góp phần giúp trẻ trở nên độc lập, tự tin và có năng lực xã hội hơn.
Tiến sĩ McKenna cho biết thêm "một nghiên cứu về trẻ em ở Anh đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ không bao giờ được ngủ cùng bố mẹ thường có xu hướng khó kiểm soát hơn, kém hạnh phúc hơn và hay mè nheo, giận dữ hơn những đứa trẻ được được ngủ chung giường với bố mẹ. Những đứa trẻ này cũng hay sợ sệt và phụ thuộc vào bố mẹ nhiều hơn".
Tuy nhiên nói về việc ngủ chung ở đây có nghĩa là nói về trẻ trên một tuổi. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cảnh báo không nên ngủ chung giường với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Những hướng dẫn của AAP về giấc ngủ an toàn, được cập nhật vào năm 2016, khuyến cáo cha mẹ nên tránh ngủ chung với trẻ sơ sinh "tốt nhất là cho đến khi bé tròn 1 tuổi, hoặc ít nhất là trong sáu tháng đầu" và rằng các bé nên "ngủ chung phòng với bố mẹ, nhưng không cùng giường".
Tiến sĩ McKenna từ lâu đã nghiên cứu về tác động của việc cha mẹ ngủ chung với con cái họ, đặc biệt là mối liên quan của nó đến việc cho con bú và SIDS (Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh) - và ông thấy được lợi ích khi ngủ chung. Trong một nghiên cứu năm 1997, ông đã phát hiện ra rằng "những đứa trẻ thường xuyên ngủ chung giường với mẹ bú sữa mẹ thường xuyên hơn và trong thời gian dài hơn vào ban đêm so với những đứa trẻ không thường xuyên ngủ chung giường với mẹ". Điều này có thể "có tác động tích cực đáng kể đến sức khỏe của trẻ sơ sinh vì việc trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới".
Tuy nhiên, trong hướng dẫn ngủ chung an toàn của mình, Tiến sĩ McKenna nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bố mẹ trong việc thiết kế giường ngủ để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh và cách trẻ nằm ngủ trên giường là rất quan trọng. Ví dụ, không bao giờ đặt em bé trên giường khi mà một người lớn đang ngủ không nhận thức được rằng có trẻ sơ sinh đang nằm ngay cạnh mình. Các bé sơ sinh cũng không nên ngủ chung giường với anh chị chúng bởi trẻ lớn có thể làm tổn thương hoặc nguy hiểm cho các bé trong khi ngủ mà không hay biết.
Ông nhấn mạnh: "Bất kể trẻ sơ sinh ngủ cùng giường với bố mẹ hay trong nôi hay trong cũi riêng, trong cùng phòng với bố mẹ hoặc trong một phòng riêng, bố mẹ đều phải tuân theo các hướng dẫn về an toàn giấc ngủ như: trẻ sơ sinh phải luôn nằm ngửa, trên bề mặt chắc chắn và sạch sẽ, trong không gian không có khói thuốc lá, dưới ánh sáng (thoải mái) và không bao giờ che đầu trẻ".