Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng ở miền Tây đặt tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, được trang bị 40 máy thở chức năng cao. Bên cạnh đó là 30 máy thở lưu lượng cao qua đường mũi. Để có lượng oxy cung cấp đủ cho cùng một lúc cho 200 bệnh nhân, Trung tâm lắp đặt hệ thống oxy nén 20 tấn. Đây là một trong 12 cơ sở chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 được Bộ Y tế thành lập trên cả nước.
Theo phân tầng điều trị của Bộ Y tế, Trung tâm có nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch tại thành phố Cần Thơ và các bệnh viện tuyến dưới trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chuyển đến. Trung tâm được kỳ vọng là sẽ góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do COVID-19.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã huy động 30 bác sĩ cùng 50 điều dưỡng phục vụ cho trung tâm. Đây là lực lượng chủ chốt của Khoa Hồi sức tích cực và chống độc và các khoa Đột quỵ, Bệnh nhiệt đới, Gây mê hồi sức, Phẫu thuật tim, Nội Tim mạch, Hô hấp, Tiêu hóa...
Trong ngày, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã di dời 8 bệnh nhân về khu điều trị của trung tâm và tiếp nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 nguy kịch từ tuyến trước đưa đến trung tâm điều trị.
Tại thành phố Cần Thơ, tính hết ngày 15/8, hoạt động điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đã được triển khai ở 22 bệnh viện với 5.620 giường bệnh. Tổng số bệnh nhân đang điều trị là 1.829 người, trong đó có 106 ca nặng. Tại các tỉnh miền Tây như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… số ca mắc COVID-19 vẫn tiếp tục tăng cao. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng ở miền Tây, việc đưa vào hoạt Trung tâm Hồi sức quốc gia điều trị COVID-19 ngay tại Cần Thơ có ý nghĩa rất quan trọng cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính đến chiều 15/8, Cần Thơ ghi nhận 3.231 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 46 trường hợp đã tử vong.