Truyền thuyết về Thánh Gióng
Truyền thuyết Thánh Gióng là sự khái quát hóa đặc sắc nhất của người anh hùng chống ngoại xâm về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ ở làng Phù Ðổng, vào đời Hùng Vương thứ 6. Cậu bé khôi ngô, tuấn tú nhưng lên 3 vẫn chưa biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy. Suốt ngày cậu chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng. Giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Trước tình thế giặc mạnh, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Ðứa bé nghe tin, bỗng dưng cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Sứ giả vào, đứa bé bảo: “Ông về tâu Vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”.
Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật cậu bé dặn. Càng lạ hơn nữa, sau hôm gặp sứ giả, cậu bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, nên phải nhờ bà con, hàng xóm. Bà con đều vui lòng gom góp gạo thóc nuôi cậu bé. Giặc đã đến chân núi Trâu, cậu bé vùng dậy, vươn vai bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sỹ mặc giáp, cầm kiếm và nhảy lên mình ngựa. Ngựa sắt bỗng chuyển động, miệng hý vang. Tráng sỹ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác. Roi sắt gẫy, tráng sỹ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan, tráng sĩ bay về tìm mẹ đúng lúc bà đang bị lũ thủy quái ba ba, thuồng luồng dìm trên sông Cái. Tráng sĩ lao thẳng xuống dòng lũ, quật nát bọn thủy quái, cứu sống mẹ, rồi lạy bà, xin được bay đến chân núi Sóc Sơn, cởi giáp, bỏ kiếm, rồi cả người và ngựa cùng thăng thiên.
Từ đó, ngài Gióng được thiêng hóa thành một vị Thánh bất tử bảo hộ mùa màng, hòa bình cho đất nước, thịnh vượng cho muôn dân.
Ðể nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong Gióng làm Phù Ðổng Thiên Vương, phong mẹ Gióng là Thánh Mẫu Bảo Vương, cho làng có xóm Ban nơi Gióng sinh ra được đặt tên là làng Phù Ðổng.
Hiện nay, ngôi đền vẫn còn tại xã Phù Ðổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), trải qua nhiều lần tu sửa, nhưng vóc dáng, hồn cốt xưa của ngôi đền vẫn hầu như còn nguyên vẹn nét kiến trúc trang nghiêm, cổ kính. Hàng năm, cứ đến ngày mồng chín tháng Tư (Âm lịch), ngày ông Gióng thắng giặc Ân, dân làng Gióng lại mở hội rất long trọng.
Chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung đánh giá: “Có rất nhiều anh hùng văn võ song toàn, nhưng hình tượng Thánh Gióng luôn được đề cao và trường tồn. Bởi nó biểu hiện tinh thần chiến đấu bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân cư Việt cổ.”
Hình tượng Thánh Gióng còn mang theo khát vọng của người dân về một vị anh hùng không màng danh lợi. Sau khi dẹp xong giặc, Thánh Gióng không cầu chức tước, địa vị, danh vọng mà bay về trời. Bài học ấy vẫn còn mang nhiều giá trị, cho cả thời đại ngày nay. Thánh đi từ nhân dân và lớn mạnh nhờ nhân dân.
“Sức mạnh của Gióng là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố: Tinh thần và vật chất, con người và vũ khí, cá nhân và cộng đồng. Khi nào dân tộc kết hợp được các yếu tố trên thì chúng ta sẽ có sức mạnh vượt trội để chiến thắng ngoại xâm. Nhưng không chỉ có vậy, ý nghĩa đó thể hiện qua chi tiết người dân đã hết lòng ủng hộ của cải vật chất cho cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc. Bà con quyên góp gạo, cơm, mắm muối, sắt, công sức rèn vũ khí để ông Gióng xuất trận.” – Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.
Lễ hội dân gian tưởng nhớ đến vị anh hùng
Hội Gióng từ lâu đã không còn là ngày hội của riêng người làng Gióng mà còn của rất nhiều người Việt Nam, nâng tầm lên thành lễ hội vùng với nhiều làng quê khác cùng tổ chức như: Hội đền Sóc (Xuân Ðỉnh, Bắc Từ Liêm); hội Gióng Sóc Sơn (Sóc Sơn); hội Phù Gióng; hội Gióng Bộ Ðầu… Vì vậy, người Kinh Bắc xưa còn lưu truyền về mãi sau này câu nói: “Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu cũng về hội Gióng” để nói lên quy mô cũng như sức hút của lễ hội cổ truyền này.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hội Gióng ở đền Phù Ðổng (tương truyền đây là nơi Thánh Gióng sinh ra) và Hội Gióng ở đền Sóc (nơi Thánh Gióng bay về trời) là lễ hội có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác, từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng. Tại đây, những nghi thức được quan tâm, chứa đựng trong nó sự huyền bí và sức sống của một huyền thoại gắn liền với lòng tự chủ dân tộc của người Việt Nam.
Hội Gióng ở đền Phù Ðổng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) được Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2010.