Chị Nguyễn Thị Hoa, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian con chị, cháu Trần Mạnh Hùng (3 tuổi) bị sốt xuất huyết cách đây gần một tháng.
Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, phát quang bụi rậm, không để các dụng cụ chứa nước đọng và mắc màn khi ngủ là cách tốt nhất phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (ảnh minh họa)
Chị Hoa cho biết, “Thấy cháu bị sốt, gia đình cứ nghĩ là cháu bị viêm họng như những lần trước nên ra quầy thuốc tây mua thuốc về cho cháu uống”. Sau 2 ngày thuốc thang đầy đủ, cháu Hùng vẫn không có dấu hiệu giảm sốt, thậm chí sốt liên tục hơn. Sốt ruột, chị Hoa cho cháu đi khám và làm xét nghiệm máu. Tại đây, bác sĩ cho biết, cháu Hùng bị viêm đường hô hấp trên và chưa phát hiện bị sốt xuất huyết.
Gần 3 ngày trôi qua, cháu Hùng vẫn không hết sốt, gia đình tiếp tục cho cháu đến bệnh viện để khám và làm các xét nghiệm cần thiết thì mới tá hỏa khi phát hiện cháu bị sốt xuất huyết và cần phải nhập viện ngay để điều trị. “Những ngày ấy với mình thực sự là cơn ác mộng, may mà bây giờ cháu đã khỏe, mọi việc đã qua, chứ khi ấy vừa lo lắng cho con, vừa thấy có những cháu cũng bị sốt xuất huyết nặng phải thở oxy mà chân tay muốn rụng rời.”, chị Hoa nhớ lại.
Cùng giống như chị Hoa, chị Phan Thu Phương, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cũng không thể ngờ rằng bệnh sốt xuất huyết lại gõ cửa gia đình mình, mà không ai khác lại chính là đứa con gái đầu mới chỉ tròn 5 tuổi của chị. “Mình người lớn không may bị bệnh còn đỡ, chứ đây cháu sốt li bì nằm mệt một chỗ mà thấy tội nghiệp lắm.”, chị Phương kể, khi cháu mới sốt, gia đình cũng chỉ nghĩ là cháu bị cảm sốt thông thường do thay đổi thời tiết. Trong thời gian này, cháu luôn kêu đau đầu và liên tục sốt cao, gia đình cho cháu đi khám mới biết cháu bị sốt xuất huyết. Cũng may cháu đã lớn nên biết nghe lời ba mẹ, ăn uống được nên phục hồi khá nhanh.
Sốt xuất huyết là bệnh thường có biểu hiện sốt cao đột ngột từ 39 - 40 độ C, kéo dài từ 2 - 7 ngày và khó hạ sốt. Người bệnh thường kèm triệu trứng đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn đỏ hoặc phát ban. Ở thể bệnh nặng, bệnh nhân còn kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu khác như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Điều đáng nói, với triệu trứng ban đầu là khởi phát sốt, rất nhiều người đã chủ quan hoặc nhầm lẫn, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết khác của bệnh sốt xuất huyết, đến khi được phát hiện thì bệnh đã diễn tiến nặng. Vì vậy, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các bệnh viện, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố chủ động, phối hợp quyết liệt và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, trong 7 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 3.845 ca sốt xuất huyết, tăng gần 87%,5 so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết cao phải kể đến là quận Thanh Khê với 790 ca, quận Liên Chiểu 624 ca, quận Hải Châu 620 ca... Đà Nẵng cũng là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong các tỉnh miền Trung. Đặc biệt, tính theo tỷ lệ số ca mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu cả nước với 367,60 ca/100.000 dân.
Để dịch không tiếp tục lây lan và bùng phát, cùng với công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phòng chống sốt xuất huyết, UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Y tế thành phố giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên để khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định, không để lây lan ra cộng đồng. Đồng thời tổ chức tốt việc thu dung điều trị cho bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp biến chứng nặng gây tử vong do sốt xuất huyết.
Ngành y tế TP. Đà Nẵng khuyến cáo, để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện các biện pháp như ngủ mắc màn, vệ sinh sạch sẽ nơi ở, phát quang bụi rậm, không để các dụng cụ chứa nước đọng là nơi chứa bọ gậy, lăng quăng. Khi gia đình có người bị sốt, cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra.