120 trẻ em tham dự Diễn đàn.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1,86 triệu trẻ em, trong đó có khoảng 14.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và 35.200 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của cả cộng đồng, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố về công tác trẻ em đã được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả. Nhờ đó, trẻ em trên địa bàn TP. Hà Nội được sống trong điều kiện tốt hơn, các quyền của trẻ em được thực hiện đảm bảo và đầy đủ hơn. Toàn thành phố có 543/584 xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường phù hợp với trẻ em; 99,3% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau; 100% trẻ em hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ BHYT, trên 99% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vắc-xin phòng bệnh;...
Một tiết mục văn nghệ tại Diễn đàn.
Diễn đàn trẻ em là nơi trẻ em được bày tỏ ý kiến, trình bày mong muốn, nguyện vọng, kiến nghị của mình với lãnh đạo các cấp, các ngành về những vấn đề các em quan tâm và có liên quan đến các em. Tổ chức Diễn đàn trẻ em thể hiện sự quan tâm, vào cuộc và cam kết trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành và của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo điều kiện để mọi trẻ em được phát triển toàn diện. Diễn đàn trẻ em TP. Hà Nội lần thứ 8 năm 2019 với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em” được 120 em học sinh đến từ các quận, huyện Thạch Thất, Tây Hồ, Mê Linh, Thanh Xuân, Đống Đa và các đơn vị Làng Trẻ em Birla, Trung tâm Bảo trợ Xã hội III, Hội đồng Trẻ em – Thành đoàn Hà Nội sôi nổi thảo luận. Các câu hỏi chủ yếu xoay quanh 4 nhóm vấn đề: Phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Vấn đề thực hiện quyền trẻ em.
Trẻ em đặt câu hỏi đối với đại diện các Sở, ban ngành, đoàn thể.
Những câu hỏi này được đại diện các Sở, ban ngành, đoàn thể trả lời rất thẳng thắn và cụ thể. Ví dụ, với câu hỏi, nếu trẻ em bị trừng phạt thân thể tại trường học hay ở gia đình, hoặc bị xâm hại tình dục, các em cần phải làm gì để chấm dứt tình trạng này và báo cho ai giúp, bà Đỗ Thị Hải Đường - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTBXH TP. Hà Nội cho rằng, điều trước tiên là gia đình, thầy cô và bản thân các em phải hiểu thế nào là bạo lực, xâm hại trẻ em. Hiểu được điều này để cha mẹ, thầy cô không vi phạm, vì thực tế, có nhiều cha mẹ dù yêu thương con nhưng vẫn bạo hành về thân thể hoặc bạo hành về tinh thần. Nếu không may bị ai đó bạo hành hoặc xâm hại, trẻ em có thể gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em – 111. Các nhân viên tư vấn của đường dây 111 sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin, liên hệ với các cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết vấn đề. Nhưng nhanh nhất là các em chia sẻ thông tin với những người các em tin tưởng, đó có thể là bố mẹ hoặc thầy cô giáo để được giúp đỡ kịp thời. Hoặc các em có thể báo công an và làm theo hướng dẫn của họ.
Bà Đỗ Thị Hải Đường - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTBXH TP. Hà Nội đối thoại cùng trẻ em.
Bà Hải Đường nhấn mạnh: “Các con cần ghi nhớ hai điều sau: Một là, tất cả mọi người đều yêu thương trẻ em, trong mọi trường hợp cần được trợ giúp, hãy chia sẻ thông tin với những người mà các con tin tưởng. Hai là, trong mọi trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, lỗi không thuộc về các em”.
Ông Lê Xuân Sơn – Phó phòng Cảnh sát hình sự TP. Hà Nội đối thoại cùng trẻ em
Đó là tư vấn của cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em, còn theo ông Lê Xuân Sơn – Phó phòng Cảnh sát hình sự TP. Hà Nội, nếu trẻ em bị xâm hại tình dục, gia đình hãy báo ngay cho công an, đồng thời cố gắng giữ nguyên dấu vết hiện trường, không tắm rửa, thay quần áo; lông, tinh dịch, vết máu, vết cào cấu… sẽ là những bằng chứng quan trọng phục vụ cho việc điều tra, xét xử.
Với câu hỏi làm thế nào để chất dứt tình trạng trẻ em bị bắt cóc và xâm hại do cha mẹ hoặc do chính các em vô tình hay cố ý chia sẻ các hình ảnh trẻ em lên mạng xã hội, cán bộ Sở Thông tin truyền thông TP. Hà Nội cho biết, vấn đề này không chỉ là an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng, mà nó còn thuộc về ý thức. Ý thức của cha mẹ và chính các em là quan trọng nhất. Để nâng cao ý thức cho người dân về vấn đề an toàn trong môi trường mạng, Sở TT&TT thành phố đã phối hợp với Sở GD&ĐT tuyên truyền Luật và các quy định liên quan đến trẻ em để bố mẹ hiểu và có ý thức bảo vệ con em mình.
Ngoài hai câu hỏi trên, các câu hỏi liên quan đến vấn đề áp lực thi cử, lao động trẻ em, an toàn giao thông, đuối nước… cũng được các em đưa ra chất vấn các lãnh đạo.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) đối thoại cùng trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) khẳng định, Hà Nội là thành phố có hệ thống dịch vụ bảo vệ, chăm sóc tốt nhất cho trẻ em. Những vấn đề liên quan đến trẻ em luôn được các cấp chính quyền và các cơ quan có liên quan xử lý nhanh nhất có thể. Điều quan trọng là các em không được im lặng, hãy lên tiếng và các cơ quan chức năng sẽ hành động, các em cần ghi nhớ một điều là, “trong tất cả các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em không có lỗi”. Bà Nguyễn Thị Nga hy vọng, 120 trẻ em tham gia Diễn đàn ngày hôm nay sẽ là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền đến các bạn để quyền trẻ em được thực hiện tốt hơn.
Trẻ em trao Thông điệp cho đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể.
Cuối buổi giao lưu, đối thoại, các em nhỏ đã thực hiện nghi lễ trao Thông điệp cho đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể. Ban tổ chức cũng đã tiến hành trao giải Góc truyền thông cho các đơn vị đã tham gia. Giải Đặc biệt thuộc về đại diện trẻ em quận Thanh Xuân, giải Nhất thuộc về Hội đồng Trẻ em – Thành đoàn Hà Nội. 120 em học sinh tham gia Diễn đàn cũng được Ban tổ chức tặng Giấy chứng nhận và quà lưu niệm của chương trình.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em trao giải trình bày Góc truyền thông cho các quận/huyện và đơn vị tham gia Diễn đàn.
Ông Hoàng Thành Thái - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HN trao giấy chứng nhận cho trẻ em tham gia Diễn đàn.
Góc truyền thông của trẻ em tại Diễn đàn.
10 thông điệp tại Diễn đàn trẻ em thành phố Hà Nội năm 2019:
Đừng im lặng – hãy lên tiếng bảo vệ trẻ em!
Hãy hành động vì một xã hội không có bạo lực và xâm hại trẻ em!
Nụ cười hồn nhiên của trẻ em là hạnh phúc cho toàn nhân loại!
Trường học an toàn – Nơi gửi gắm những ước mơ và khát vọng tuổi thơ!
Hãy hành động để chấm dứt bạo lực học đường!
Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng!
Đừng để trẻ em lạc lối trên môi trường mạng!
Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động!
Cuộc sống trôi nhanh nhưng đừng để tuổi thơ của trẻ em dừng lại vì tai nạn thương tích!
Hãy xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện!
Bài và ảnh: Thanh Huyền/GĐ&TE