Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đừng nhẫn tâm, chà đạp lên những người “chân lấm, tay bùn”!

Sáng cuối tuần vừa rồi, đang nhâm nhi ly cà phê, anh bạn tôi bất ngờ hỏi bâng quơ: “Nông dân họ có uống cà phê không nhỉ?”.

Nghe thế, anh bạn ngồi bên cạnh nheo mắt cười: “Ông như người trên trời lọt xuống, sinh ra ở làng, lớn lên từ làng, giờ lại mù tịt về làng. Thật đáng xấu hổ!”.

 Bị chê, nhưng anh bạn hỏi bâng quơ vẫn trầm tư, nở nụ cười bâng quơ. Trong  khi đó, anh bạn nheo mắt cười thao thao tiếp: “Ở  quê tôi, làng nào bây giờ cũng có một vài quán cà phê, làng nhiều có tới chục cái. Quán ở nông thôn, không bán cho nông dân thì bán cho ai?”.

Xoay lại tư thế ngồi, anh bạn nói câu bâng quơ với vẻ suy tư, nói: “Có lẽ  việc thưởng thức cà phê sáng không còn là chuyện lạ với dân cày, thì  cũng là lúc đời sống phố phường, phố thị, trong đó có các tệ nạn xã hội, đặc biệt nạn lừa đảo du nhập, phá hoại thuần phong, mỹ tục vốn có cả ngàn năm của các làng quê ”.

Ảnh minh hoạ.                                                Nguồn; Internet.

Ngẫm nghĩ  một lúc, anh nói tiếp: “Bởi sinh ra ở làng nên tôi xót xa và xấu hổ lắm. Tôi không hiểu tại sao một số người lại có thái độ thờ ơ, hờ hững, đối xử nhẫn tâm và xúc phạm  đến nông dân thô bạo, ghê gớm đến như vậy?. Như các vị biết đấy, chuyện cái Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới làm cho hàng vạn con người, hàng ngàn gia đình vốn đã nghèo, nay lại càng điêu đứng, tan gia bại sản khi tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam” do Trung tâm quái gỡ trên phát động. Đã mấy tháng qua, dư luận xã hội cực kỳ bức xúc, vậy mà cho tới nay vụ việc trên vẫn “án binh bất động”. Nếu vô tình xem chương trình Chào buổi sáng của VTV1 giữa tuần rồi, chắc những người có lương tâm và trách nhiệm cũng  động lòng, khi chứng kiến cảnh những người dân da nhăn nheo, đen sạm, vẻ mặt khắc khổ, thảm hại khóc nức nở, mếu máo kể lại nỗi đau bị lừa mất hết gia sản. Càng đau lòng khi  những kẻ gây nên thảm họa trên hiện vẫn ung dung, rung đùi, bình chân như vại. Không những thế, có kẻ còn dọa kiện những ai đã nêu những việc làm sai trái của cái gọi là Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới. Các vị có buồn không khi sự thật bị đánh tráo như vậy? Hay tại các nạn nhân là những người “chân lấm, tay bùn”, những nông dân “thấp cổ bé họng?”.

Nhìn bạn lúc ấy, tôi như thấy một con rồng lửa. Thì ra bao nhiêu năm ra thị thành mưu sinh, lập nghiệp, cái làng quê xa xăm, nhỏ bé vẫn đau đáu trong anh. Có lẽ thế mà mà anh nổi giận, bất bình với những ai đối xử không công bằng với những người nông dân?(!).

Chuyện lừa đảo, ăn chặn, ăn bớt của nông dân, của những người yếu thế, không chỉ có độc cái trung tâm có tên mỹ miều, thực dụng và đậm đặc tính thời cuộc trên, mà bây giờ quá nhiều đối tượng, quá nhiều thành phần, kể cả một số người có chức, có quyền trước cái lợi vật chất cũng bị lóa mắt. Biết vậy, nhưng không thể không gióng lên thắc mắc: Tại sao vụ việc do Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới gây họa cho tới nay chưa được giải quyết dứt điểm? Liệu có “đại ca” nào “chống lưng”, gây khó dễ, để nước mắt của nhiều nông dân, người nghèo cứ rơi, cứ rơi, quặn thắt?. Không biết những con người hiền như đất ấy còn quặn thắt đến bao giờ?.

Nói theo câu thơ bất hủ của thi hào Xuân Diệu: “Trái đất ba phần tư nước mắt”,  nước Việt mến yêu của chúng ta ba phần tư là nông dân. Chính vì vậy, khi nói đến tình yêu quê hương, đất nước là phải biết yêu, biết tôn trọng những người nông dân. Đừng vì mùi vị quyến rũ, hấp dẫn của ly cà phê sáng, ly cà phê tối mà quên, mà vô cảm, thậm chí chà đạp, xúc phạm lên danh dự, nhân phẩm, quyền lợi của những người dân quê.