Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đừng 'sợ' internet, nên dân chủ hóa thông tin!

Theo các chuyên gia, dân chủ thông tin đã góp phần không nhỏ vào quá trình dân chủ hoá quyền lực, dân chủ hoá việc hoạch định chính sách

 

Đừng sợ internet!

“Đừng sợ internet. Vấn đề ở chỗ hãy làm cho người ta tin, người ta được đáp ứng nhu cầu thông tin thì người ta không tìm đến những thông tin sai lệch trên internet”- PGS.TS Mai Quỳnh Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu con người nhấn mạnh khi góp ý về việc sử dụng công cụ Internet trong thực hiện dân chủ.
PGS.TS Mai Quỳnh Nam
PGS.TS Mai Quỳnh Nam cho rằng, có một số trang web mở ra được truy cập với số lượng rất lớn vì ở đó nói những điều trước nay người ta không biết. Nếu những vấn đề cần biết, hướng dẫn đưa tin một cách trung thực thì rất tốt cho hoạt động tổ chức và quản lý. Còn nếu chúng ta cứ che giấu sự thật thì người ta lại tìm sự thật được che giấu trên mạng”.

Cùng quan điểm này, TS Chu Văn Tuấn, Viện nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng, “Sự thực chúng ta lại đang e sợ môi trường internet vì cho rằng môi trường này rất rủi ro”.

Theo GS.TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam với hơn 30 triệu người sử dụng internét, nếu so sánh với quốc tế thì Việt Nam sử dụng internet rất mạnh, sử dụng như một công cụ trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, khi nói đến internet chúng ta lại có vẻ e ngại. “Không có gì phải e ngại, mà sử dụng như một công cụ hữu hiệu hơn nữa. Càng chủ động sử dụng thì hiệu quả càng lớn, nếu ngăn cản sẽ nảy sinh những hệ lụy. Chuyện này còn tốt hơn các chuyện phòng xa.

GS.TS Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng Viện khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, ngày nay với sự phát triển nhanh chóng và rộng khắp của công nghệ thông tin, thì người dân càng có điều kiện hiểu rõ hơn các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực con người, nguồn lực khoa học và công nghệ, nguồn lực tài chính mà mình có cũng như mình cần.

Vì vậy, để huy động tối ưu các nguồn lực, phát huy tối đa các động lực tham gia cuộc chơi kinh tế toàn cầu một cách hiệu quả thì dân chủ hóa về thông tin là một tất yếu. Vai trò động lực của dân chủ hoá trong kinh tế, trong lĩnh vực tài chính thể hiện khá rõ ở điểm này. Rõ ràng là, toàn cầu hoá đã dẫn đến dân chủ hoá đời sống quốc tế, đã mở ra cơ hội mới cho những nước kém phát triển đang cần đến nguồn tài chính lớn để phát triển.

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam dẫn số liệu do Bộ TT-TT công bố là đến 2013, Việt Nam có 33 triệu người dùng internet, chiếm 37% dân số. Theo bà Hoàng Thị Ái Nhiên, chúng ta chứng kiến nhiều nông dân vùng sâu vùng xa sử dụng công nghệ thông tin và lợi ích do internet mang lại. Đồng thời chúng ta đang phải đối diện với những thách thức do công nghệ cao mạng lại. Dự thảo báo cáo chính trị cần bổ sung theo hướng mọi người dân khai thác sử dụng internet và thông qua phương tiện này để nêu quan điểm, ý kiến của mình đóng góp xây dựng Nhà nước, xây dựng xã hội, phát hiện những việc làm tốt, tử tế để biểu dương, lan tỏa. Cùng với đó cũng lên án phê phán những việc làm xấu, phát hiện những khiếm khuyết trong chính sách, thực hiện chính sách, giúp nâng cao chất lượng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước. Đây cũng chính là tham gia giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Nên dân chủ hoá thông tin

Theo GS.TS Nguyễn Quang Liêm, dân chủ hoá thông tin được xem là một trong những lĩnh vực dân chủ hoá quan trọng bậc nhất trong thời đại ngày nay, là tiền đề để thúc đẩy quá trình dân chủ hoá trở thành thực sự trong đời sống xã hội hiện đại. Truyền thông tin qua cáp quang, qua vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình qua vệ tinh, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, internet… cùng với các thiết bị thu và hiển thị hiện đại, đa chức năng, cực nhạy, chất lượng cao, nhưng lại hết sức gọn nhẹ,… đã làm cho thông tin cực kỳ nhanh chóng, được lưu trữ như một kho dữ liệu hữu ích cho nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có thể được xử lý, tiếp nhận theo yêu cầu. 

Với công nghệ và phương tiện thông tin, truyền thông như hiện nay, vừa nhanh chóng và hữu hiệu, vừa giàu dữ liệu vừa tiện sử dụng, mọi người, dù sống ở nơi thị thành, chốn thôn quê hay ở những vùng núi rừng heo hút, đều có thể cùng một lúc biết được những sự kiện nóng hổi vừa xảy ra hoặc đang tiếp diễn, tại một địa điểm xa xôi bất kỳ nào đó trên hành tinh, cũng như có thể tiếp cận các nguồn dữ liệu phong phú phục vụ cho việc đào tạo, học hành... 

“Dân chủ hoá thông tin thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại không chỉ đem lại cho con người những kiến thức và tin tức mới nhất có thể chưa kịp cập nhật trong các sách báo viết, cho phép người ta trao đổi, thảo luận, tranh luận, trình bày chính kiến của mỗi người về tất cả các vấn đề, kể cả những vấn đề nhạy cảm nhất, đang được quan tâm, mà còn không cho phép các hành vi bưng bít thông tin, không minh bạch, che giấu những hành động sai trái, những tội ác chống lại con người và loài người. Vì vậy, dân chủ hoá thông tin đã góp phần không nhỏ vào quá trình dân chủ hoá quyền lực, dân chủ hoá việc hoạch định chính sách và góp phần làm trong sạch nền hành chính quốc gia. Quyền lực và sức mạnh thông tin thậm chí có thể trở thành sức mạnh chính trị, làm khuynh đảo cả một chế độ hay một tập đoàn cầm quyền”- GS.TS Nguyễn Quang Liêm phân tích. 
Bà Hoàng Thị Ái Nhiên

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Ái Nhiên, phải có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả tác động xấu của internet. Để làm được việc này, trước hết phải thông qua hệ thống Mặt trận và Đoàn thể làm cho người dân hiểu lợi và có trách nhiệm để không bị lợi dụng, phát huy dân chủ của người dân trong việc tham gia quản lý và sử dụng internet. Về phía Nhà nước cũng phải dẫn dắt dư luận; đồng thời sẵn sàng tiếp xúc, đối thoại với dư luận. Đồng thời có hệ quản lý chặt chẽ đủ mạnh để ngăn chặn cái xấu, độc hại do intenet mạng lại.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhận định, trong thời kỳ hiện nay, internet đã trở thành một diễn đàn rộng lớn của xã hội nhưng xét về mặt Nhà nước diễn đàn này chưa đầy đủ các giới trong xã hội. Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này theo hướng mềm hơn vì trên Internet có những thông tin đúng và thông tin chưa đúng.

“Internet là diễn đàn nhưng không có chế tài chính trị. Đó là vấn đề cần phải điều chỉnh và những người biết sự thật phải đứng lên nói sự thật, vì những thông tin không đúng nếu không được xác nhận lại thì những tin không đúng đó sẽ có sức lan tỏa ghê gớm trong xã hội. Trên Internet, có nhiều người nói sai về thành tựu đất nước nhưng lại không phải chịu trách nhiệm trước thông tin mình đưa ra. Về lâu dài, chúng ta phải tiến tới xây dựng Luật”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói./.