Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Pháp luật

Dùng tên, bằng cấp... của người khác để xin việc: Hậu họa “tiền mất, tật mang”!

Tình trạng muốn nhanh có việc làm, lại không có hoặc mất chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, thậm chí bằng đại học, nhiều người lao động (NLĐ) đã liều lĩnh mượn bằng cấp, dùng luôn tên của bạn bè, người nhà để làm hồ sơ xin việc giả. Sự giả mạo đó đã gây ra những hệ lụy đáng tiếc và không ai khác chính NLĐ chịu thiệt thòi...

Không cẩn thận mang vạ vào thân

Hà Nội là nơi thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh, do vậy cũng tiếp nhận lượng lao động từ khắp nơi trên cả nước đến làm việc. Có nhiều vị trí việc làm hấp dẫn, mức ưu đãi cao, lại không đòi hỏi bằng đại học. Tuy nhiên, nhiều NLĐ không thể đáp ứng được yêu cầu do chưa có bằng tốt nghiệp PTTH hoặc chứng minh nhân dân... là những điều kiện cần nhất trong bộ hồ sơ xin việc. Và lúc bí bách, muốn có việc làm nhanh, họ đã nghĩ ra cách là mượn bằng tốt nghiệp, chứng minh thư của bạn bè, người thân để hoàn thiện bộ hồ sơ xin việc dưới nhân thân của người khác. Do vậy đã xảy ra những tình huống  “khóc dở mếu dở” khi người cho mượn tên phải khổ sở đi tìm người đã mượn tên để giải quyết quyền lợi cho chính mình.

Chị Nguyễn Thị Na (Phú Thọ) là một ví dụ điển hình. Đang làm giúp việc gia đình ở Hà Nội, nhưng  bạn bè làm công nhân may ở Khu công nghiệp Sài Đồng rủ rê đến làm để thoát khỏi cảnh “ô sin”, Na tìm mọi cách rời khỏi nhà chủ dù trình độ mới chỉ học hết lớp 7. Trong khi đó, yêu cầu tối thiểu của doanh nghiệp là NLĐ phải tốt nghiệp PTTH. Tuy nhiên, với bạn bè Na thì điều đó rất dễ bởi mượn tên, bằng tốt nghiệp để đi làm là “chuyện nhỏ”. Sau đó, Na đã làm công nhân may dưới tên một người khác. Sẽ không có gì đáng bàn nếu không có ngày Na bị tai nạn gẫy chân phải nằm viện. Lúc này tên trong chứng minh thư và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khác nhau nên Na không được chi trả viện phí theo luật định. Số tiền phải bỏ ra không nhỏ, trong khi hàng tháng Na vẫn phải trích tiền lương để đóng BHYT, BHXH. Lúc này cô mới nhận ra hậu quả thì cũng đã quá muộn.

Đăng ký tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Cảnh tỉnh cho người lao động

Theo Bộ luật Lao động, NLĐ phải cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động về họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khoẻ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu. Vì vậy, việc mượn tên, bằng cấp của người khác để được làm việc là hành vi gian dối, không trung thực. Dù NLĐ được hưởng lương, thưởng đều nhưng khi có sự cố xảy ra thì họ mất hết quyền lợi về BHXH, BHYT, trợ cấp thất nghiệp... Dù trên thực tế, các cơ quan chức năng có hỗ trợ giải quyết giúp NLĐ hưởng quyền lợi của mình, nhưng đây là hồi chuông cảnh báo cho NLĐ không nên lập hồ sơ giả, để khi bị mất quyền lợi mới thấy hệ lụy.

Ông Đào Việt Thanh, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, thanh tra Sở đã tiến hành thanh tra nhiều trường hợp mượn tên, bằng cấp, chứng minh thư của bạn bè, người quen để đi làm. Cụ thể có 4 trường hợp bị thanh tra đều làm việc ở khu công nghiệp Sài Đồng. NLĐ cần trung thực để tránh tình trạng mất công sức, tiền của rồi cuối cùng chịu thiệt thòi. Với mỗi trường hợp vi phạm,  lực lượng thanh tra Sở mất rất nhiều thời gian để xác minh sai phạm, có trường hợp thanh tra đến 4 tháng mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt quy định là 750.000 đồng/người theo Nghị định 95 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết: NLĐ mượn bằng cấp, giả mạo hồ sơ là hành vi gian lận đáng lên án. “NLĐ vừa vi phạm pháp luật, vừa thiệt thòi vì mất trắng quyền lợi”. Ông Thắng cũng khẳng định sẽ chú ý đến việc tuyên truyền cho công nhân lao động hiểu về vấn đề này.

Không chỉ riêng Hà Nội mới có tình trạng này, tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, chế xuất cũng xảy ra nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Có tỉnh có đến 700 trường hợp mượn hồ sơ tư pháp của người khác để đi làm.Vì vậy, xét thấy nhiều NLĐ “tình ngay lý gian”, BHXH Việt Nam đã  vận dụng  bằng cách ra văn bản đồng ý giải quyết cho NLĐ cấp đổi lại sổ BHXH cho đúng với nhân thân sau khi NLĐ nộp phạt vi phạm hành chính. BHXH tỉnh, thành phố sẽ thông báo đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về việc cấp lại sổ BHXH cho NLĐ do thay đổi nhân thân. Theo đó, thủ tục cấp lại sổ BHXH là NLĐ phải có đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH, kèm theo sổ BHXH đã cấp và tờ khai cấp sổ BHXH lần đầu; sơ yếu lý lịch khai lại đúng với nhân thân của NLĐ, có xác nhận của người sử dụng LĐ; bản xác nhận của người sử dụng LĐ về thời gian NLĐ làm việc tại đơn vị, có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật (kèm quyết định của đơn vị về việc thay đổi nhân thân của NLĐ); bản cam kết của người cho mượn hồ sơ, có chứng thực của chính quyền địa phương.

Dù đã có giải pháp cho các trường hợp mượn hồ sơ xin việc nhưng đây chính là cảnh báo cho NLĐ. Thực tế, ở nhiều vị trí như công nhân hay lao động phổ thông, lao động thời vụ thì các doanh nghiệp không yêu cầu NLĐ phải có bằng tốt nghiệp PTTH. Điều quan trọng với doanh nghiệp là ý thức và tay nghề của NLĐ. Trước khi nộp hồ sơ xin việc, NLĐ nên tìm hiểu rõ tiêu chí để tránh những thiệt thòi về sau.