Dâu tằm sắp bước vào mùa rộ và những lợi ích sức khỏe được Đông, Tây y ghi nhận
Hàng năm, cứ vào tháng 4, đầu tháng 5, dâu tằm lại vào mùa rộ. Ở miền Bắc, dâu tằm được trồng nhiều tại khu vực bãi bồi ven sông Hồng, sông Đáy, sông Thái Bình… Vào mùa rộ, chúng ta lại được bắt gặp những gánh hàng bày bán dâu tằm chín mọng trên những nẻo đường, tuyến phố. Mùa dâu tằm gợi nhớ gợi thương cái nắng chói chang ngày hè, gợi cả hương vị chua chua ngọt ngọt từ những cốc siro dâu hấp dẫn. Quả dâu tằm khi chín có màu đỏ hoặc đen, ăn có vị mềm, chua ngọt và đặc biệt rất nhiều nước. Không chỉ ngon, ăn dâu tằm còn đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe.
Theo Stylecraze, dâu tằm rất giàu chất dinh dưỡng với nguồn protein dồi dào, 85g dâu tằm có chứa 9g protein. Dâu tằm là nguồn tuyệt vời cung cấp chất sắt, canxi, vitamin A, C, E, K, Folate, thiamine, Pyridoxine, Niacin và chất xơ. Dâu tằm cũng rất giàu chất chống oxy hóa như Resveratrol, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và sức đề kháng cho cơ thể.
Dâu tằm còn được xem là vị thuốc quý trong y học cổ truyền Trung Quốc nhờ nguồn nước dồi dào với rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Anthocyanin được tìm thấy trong dâu tằm có đặc tính chữa một số bệnh.
Lá dâu tằm rất giàu resveratrol – một chất chống oxy hóa có khả năng ngăn ngừa ung thư. Lá dâu tằm còn có khả năng cải thiện lưu thông máu, hoạt động như một chất chống viêm giúp giảm huyết áp, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, đột quỵ, ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Đây còn là một loại thuốc bổ máu, làm sạch máu, cải thiện tuần hoàn và giúp củng cố toàn bộ hệ thống trong cơ thể, đồng thời làm dịu các dây thần kinh, thúc đẩy sự trao đổi chất ở rượu. Ăn lá dâu tằm cũng giúp tăng cường làm sạch gan, thận. Đặc biệt, loại rau này có hàm lượng vitamin C và flavonoids cao, giúp tăng cường miễn dịch tự nhiên và ngăn ngừa bệnh cúm, ho, cảm lạnh.
Những bài thuốc chữa bệnh thường gặp từ dâu tằm, hãy dắt túi tận dụng khi cần
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, quả dâu tằm có vị ngọt, chua, tính ôn, đi vào 2 kinh can và thận có công dụng bổ can, bổ thận, dưỡng huyết, trừ phong. Do vậy, người ta thường dùng dâu tằm để chữa can, thận yếu, thiếu máu, suy nhược cơ thể, táo bón, mất ngủ, tóc bạc sớm…
Ngoài ra, lá dâu tằm cũng được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh. "Trong Đông y, lá dâu (hay còn gọi là tam diệp) có vị đắng, ngọt, tính hàn, đi vào 2 kinh can, phế có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, được dùng để chữa ho, sốt, nhức đầu, cao huyết áp, chảy nước mắt", lương y Bùi Hồng Minh cho biết.
Theo chuyên gia, Đông y sử dụng dâu tằm để chữa nhiều bệnh thường gặp như ho, cảm sốt hoặc những bài thuốc giúp bổ máu, bồi bổ sức khỏe, nhất là vào những ngày hè nóng nực, mất sức, mất nước nhiều. Dưới đây là những bài thuốc từ dâu tằm được sử dụng nhiều có thể chữa những bệnh thường gặp:
- Dưỡng huyết, đen mượt tóc: Dâu tằm tươi chín 50g, đường phèn vừa đủ. Dâu tằm rửa sạch, đem sắc lấy nước uống, cho thêm đường phèn vào. Sử dụng nước này sẽ giúp dưỡng huyết, dưỡng tóc, rất có lợi khi được sử dụng vào mùa hè.
- Người bị đau nhức xương khớp, đau lưng gối, hoa mắt, suy nhược cơ thể, hay quên, chóng mặt, táo bón: Ăn dâu tằm chín thường xuyên mỗi ngày sẽ giảm những triệu chứng này.
- Cải thiện giấc ngủ, giúp ngủ ngon, ngủ sâu: Dâu tằm tươi 60g, cho vào ấm đem sắc nước uống, mỗi ngày 2 lần sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Dâu tằm tươi 30g, thiên hoa phấn 20g, sinh địa 15g. Tất cả bỏ vào ấm, sắc với 500ml đến khi còn 150ml, chia làm 2 lần uống hết trong ngày. Dùng liên tục trong vòng 7 ngày.
- Khó tiêu, bụng đầy hơi: Dâu tằm 10g, bạch truật 6g. Tất cả đem vào đun sôi với 500ml nước, uống làm 3 lần trong ngày.
- Ra mồ hôi trộm ở trẻ em, ra mồ hôi tay ở người lớn: Lá dâu non đem nấu canh với tôm, tép để ăn hàng ngày sẽ cải thiện chứng bệnh ra mồ hôi.
- Mắt đau, viêm màng kết mạc mãn tính: Lá dâu đem nấu lấy nước và xông vào mắt sẽ giúp giảm viêm đau mắt.
- Làm thuốc bổ, cải thiện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng: Quả dâu tằm chín đỏ, câu kỷ tử, hà thủ ô đỏ, nhân hạt táo, tất cả có liều lượng tương đương đem ngâm với rượu. Mỗi lần uống một chén nhỏ.
- Làm nước dâu tằm giải nhiệt, thanh lọc cơ thể mùa hè: Dâu tằm rửa sạch, để ráo. Cứ một lớp dâu chúng ta lại rải lên trên một lớp đường với tỷ lệ tương đương 2kg dâu tằm 1kg đường. Để dâu như vậy sau một ngày cho tan hết đường, lọc lấy nước, đun sôi cho đến khi ra dạng sền sệt, có mùi thơm. Bắc xuống bếp để nguội, sau đó để tủ lạnh uống dần.
Mặc dù dâu tằm đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng. Theo lương y Bùi Hồng Minh, dâu tằm có tính hàn nên những người bị hạ đường huyết, sôi bụng, tiêu chảy, viêm dạ dày… không nên ăn nhiều. Khi nấu hoặc sắc thuốc từ dâu tằm phải trong những vật liệu như nồi đất, nếu sử dụng bằng vật liệu kim loại như đồng, sắt, nhôm có thể khiến thôi nhiễm, không tốt cho sức khỏe.