So sánh đã ám ảnh cha mẹ như thế nào?
Về mặt lý thuyết, chúng ta được học rằng không nên so sánh con mình với “con nhà người ta”, bởi sự so sánh sẽ không nâng con lên mà có thể còn “dìm” con xuống. Nhưng nhiều khi trong những tình huống tức giận hay thất vọng, kiểu gì cha mẹ cũng sẽ phạm lỗi.
Tôi là một bà mẹ ghi nhớ được nguyên tắc lý thuyết: Không so sánh con với bạn khác! Nhưng, không chỉ một lần, vì bực con lười nhác, không chịu “động não” trong học hành, không quan tâm giúp mẹ việc nhà, tôi đã thốt ra: Nói ra thì bảo lại so sánh, nhưng tại sao con không thấy chị A, bạn B đã biết giúp đỡ mẹ... Ấy đấy, trong khi so sánh con với người khác, tôi vẫn biết mình “phạm tội” nên phải rào đón câu “Nói ra thì lại bảo so sánh, nhưng…” Và tôi tin rằng, nhiều bà mẹ khác cũng có lúc giống tôi.
Chúng ta thoát ra khỏi ám ảnh so sánh con với trẻ khác như thế nào, khi mà chúng ta hiểu rõ rằng việc so sánh sẽ tạo áp lực rất lớn đối với trẻ em. Có phải chính chúng ta đang tự áp lực cho mình, rằng mình phải có một đứa con vừa ngoan vừa giỏi như mơ ước, như “con nhà người ta”. Và điều đó đang hạn chế chúng ta rất lớn trong việc nhìn nhận mỗi đứa trẻ là một cá nhân độc lập, là chính nó, cha mẹ có nhiệm vụ giúp con khẳng định mình, sống là mình và vượt lên chính mình chứ không phải đốc thúc con để con phải gồng mình lên cho bằng bạn bằng bè.
Ảnh minh họa KT
Tại sao trẻ phản ứng khi bị so sánh?
Trong khi dẫn dắt con mình khôn lớn mỗi ngày, chúng ta biết rằng phải ghi nhớ nguyên tắc tối thượng: không so sánh! Trẻ em sẽ phát triển thành một cá nhân tự tin, chu đáo và lịch sự, có khả năng lĩnh hội tri thức dưới sự dẫn dắt của thầy cô, cha mẹ. Nhưng đã có không ít câu chuyện diễn ra giữa cha mẹ và con cái theo chuỗi phản ứng: Khi bị so sánh sao con không bằng bạn A bạn B, cha mẹ liền bị con mình cãi lại: Sao mẹ không đón bạn ấy về mà nuôi? Mẹ nói vậy là mẹ yêu con hơn bạn ấy!? Sao mẹ không đẻ ra bạn ấy mà lại đẻ ra con?...
Mọi đứa trẻ không hề bày cho nhau cách phản ứng với cha mẹ khi bị so sánh kiểu như vậy. Nhưng tại sao chúng lại phản ứng với cùng một thái độ, một giọng điệu? Đó là một phản ứng tâm lý chung khi trẻ cảm thấy bị xúc phạm. Những phản ứng tưởng chừng rất trẻ con ấy lại hàm chứa cả một vấn đề giáo dục: sự so sánh khiến con trở nên tức giận như thể bị xúc phạm; có trẻ lại rơi vào tự ti như thể mình là đồ vô dụng… Như vậy, việc so sánh rõ ràng sẽ không nâng con chúng ta lên mà lại “dìm” con chúng ta xuống.
“Được lớn lên trong khích lệ, con sẽ tự tin”
Cùng với nguyên tắc không so sánh, thì đây là nguyên tắc tiếp theo cha mẹ cần ghi nhớ.
Gần đây tôi có được nghe một câu chuyện: Cô bé học giỏi từ lớp 1 đến lớp 3 ở một trường công lập, nhưng lớp 4-5 chuyển về một trường dân lập danh tiếng, lực học của cô bé lại sa sút hẳn. Cha mẹ không hiểu sao khi về học tại một ngôi trường không áp lực, được tôn trọng tự do phát triển, con lại sa sút như vậy. Khi tìm gia sư cho con, thấy gia sư tự tin, giỏi giang, người mẹ lại bày tỏ mong muốn con mình sẽ được giỏi như cô gia sư. Mong muốn của người mẹ thì hoàn toàn chính đáng, nhưng nó cũng thể hiện nỗi ám ảnh “con nhà người ta” trong mỗi bậc phụ huynh. Thay vì phải tìm cho được nguyên nhân vì sao con học kém, phụ huynh lại chỉ quan tâm làm sao để con mình bằng con nhà người. Đến khi con tâm sự với gia sư rằng con không thích các bạn ở lớp, không thích trường này, vì các bạn ở đây hay so sánh, thì cha mẹ mới biết nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Ở lớp của con, những câu hỏi mang tính tò mò, so sánh giữa trường công và trường tư luôn luôn được đặt ra. Con kém tiếng Anh một chút, liền bị dè bỉu. Khả năng làm việc nhóm của con kém, cũng bị chê bai...
Như vậy, không chỉ khi bố mẹ, người lớn so sánh mới khiến trẻ buồn. Sự so sánh giữa bạn bè cùng trang lứa với nhau cũng sẽ dẫn đến tâm lý buồn chán, bất mãn ở trẻ. Nó khiến trẻ cảm thấy đang phải sống trong một môi trường thiếu thân thiện, thiếu niềm tin lẫn nhau. Trẻ mà “thích ứng” với môi trường như thế cũng sẽ trở thành một cá nhân hay tọc mạch, so sánh, nói xấu, bè phái; nếu không thích ứng sẽ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, cô độc và vì thế ảnh hưởng không tốt đến học hành. “Học thầy không tày học bạn”, cũng như sự động viên, khích lệ của bạn bè với nhau có khi còn quan trọng hơn cả sự khích lệ của cha mẹ, thầy cô.
Ảnh minh họa KT
Giúp con tự tin trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình
Giáo dục hiện đại ngày nay tin tưởng rằng, mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng để trở thành một phiên bản tốt nhất của chính mình. Tôi nhớ cô giáo Trương Thị Cẩm Tú – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công nghệ và Giáo dục Hà Nội – luôn nói trong các cuộc trò chuyện với phụ huynh và học sinh. Rằng, mong cho các con giỏi thì thầy cô nào cũng muốn, nhưng việc nhìn nhận năng lực riêng của mỗi đứa trẻ còn quan trọng hơn. Mỗi ngày các con lại tốt hơn, tiến bộ hơn chính con của ngày hôm qua, thì đấy là kết quả của giáo dục, với mục tiêu giúp con trở nên phiên bản tốt nhất của chính mình. Cha mẹ, thầy cô không nên vì nhìn thấy bạn này giỏi quá mà cũng thúc ép con mình, học sinh của mình phải giỏi như vậy.
Nuôi dạy con chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, nó đòi hỏi tâm sức, thời gian, cả tiền bạc của suốt một đời cha mẹ. Cũng như sẽ không có phương pháp giáo dục nào tuyệt đối tốt để giúp trẻ trở thành thiên tài. Việc học chung một lớp, thụ hưởng chung một nền giáo dục nhưng có bạn giỏi, bạn khá, bạn trung bình, bạn yếu kém; có bạn giỏi ngoại ngữ, có bạn giỏi hát, giỏi vẽ, giỏi thể thao…, đấy là những minh chứng rõ nhất rằng mỗi đứa trẻ là một “vũ trụ” riêng, có năng lực riêng. Tuy nhiên, nếu gia đình và nhà trường có tiếng nói chung trong giáo dục trẻ đúng lúc, đúng cách thì có thể tận dụng tuyệt đối khoảng thời gian đầu đời để gần gũi, phát hiện năng lực, để từ đó tìm ra phương pháp tốt nhất dẫn dắt con đi đúng hướng phù hợp.
Và trong khi song hành với con ở từng giai đoạn trưởng thành, cha mẹ phải luôn nằm lòng nguyên tắc khích lệ, động viên, không so sánh. Con có trở nên một cá nhân tự tin, hạnh phúc, biết làm chủ cuộc đời của mình hay không, là nhờ vào việc con có được dẫn dắt và khích lệ để là chính mình và phát triển tốt nhất trong khả năng của mình hay không.
Trang Thanh/GĐTE