Cứ phạm lỗi là… đuổi học
Hội đồng kỷ luật trường THCS Nguyễn Du (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) ngày 29/3 quyết định buộc thôi học một tuần đối với nữ sinh Trần Thị Bảo H (lớp 9) do phạm lỗi đánh nhau với người khác phải nhập viện cấp cứu.
Trước đó, một đoạn clip dài 1 phút 53 giây gây bức xúc trong dư luận với cảnh hai bạn nữ lao vào ẩu đả, cấu xé giữa đường. Hai nhân vật này được xác định là học sinh và cựu học sinh một trường THCS ở Hậu Giang.
Trước đó, cũng trong tháng 3, một clip về nhóm học sinh đánh hội đồng bạn nữ ở Trà Vinh cũng gây bức xúc cho cộng đồng mạng và dư luận cả nước.
Những học sinh đánh nhau trong đoạn clip được xác định là học sinh trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh). Ngày 16/3, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thành Nguyện, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, Hội đồng kỷ luật trường THCS Lý Tự Trọng đưa ra hình thức kỉ luật là đuổi học 1 tuần đối với ba học sinh và kỷ luật hình thức cảnh cáo 5 học sinh khác.
Đuổi học là hạ sách !
Thông thường, với các vụ học sinh đánh nhau, hình thức kỷ luật đối với các đối tượng vi phạm là đình chỉ học tập hoặc đuổi học. Tuy nhiên, theo thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thì đây không phải là cách xử lý đúng.
“Ở lứa tuổi chưa trưởng thành, các em rất dễ bị sa ngã, lôi kéo phạm tội nếu không được giáo dục và định hướng tốt, nhất là khi các em đang trong độ tuổi 15-17, chưa thể làm chủ được bản thân, dễ bạn xấu lợi dụng. Đuổi học để giữ bình yên cho trường nhưng lại tạo thêm mầm mống bất bình ổn trong xã hội, bởi nếu các em đó chán nản, tham gia vào các hoạt động tội phạm thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?.
Hình ảnh học sinh đánh nhau (ảnh cắt từ clip)
Nhà trường đình chỉ học tập của những học sinh đánh bạn 1 tuần hay 1 tháng thì liệu gia đình và chính quyền địa phương có thể quản lý tốt các em khi ở nhà không, hay lại vô tình khiến học sinh đó có cơ hội dễ dàng tiếp xúc với những cái xấu trong xã hội? Đặc biệt, trong số những em đánh bạn có hoàn cảnh gia đình không được trọn vẹn như: Bố mẹ bỏ nhau, ly thân…”, thày Lâm nói.
Cũng theo thầy Lâm, những học sinh tham gia đánh bạn thì có thể bị kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường. Nhà trường nên tìm biện pháp, hình thức kỷ luật đi kèm để các em nhận ra được sai lầm và sửa chữa.
“Các em có thể tham gia lao động, làm việc công ích lấy công chuộc tội. Nnhà trường phải giáo dục tâm lý cho các em, giúp các em nhận ra sai lầm, hướng tới phục thiện nhân cách hơn là dùng hình thức đình chỉ học tập của các em.
TS Lê Thị Quý, chuyên gia tâm lý, Phó hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long cho rằng, để xảy ra bạo lực học đường trước hết trách nhiệm thuộc về nhà trường nơi các em đang theo học.
Tuy nhiên, khi sự việc đã xảy ra thì việc xử lý đuổi học các em là không nên. Không nên đẩy nhà trường thành một ốc đảo, thay vào đó là cả nhà trường, gia đình và chính quyền cùng phải phối hợp giáo dục các em.
Các tổ chức đoàn, đội trong nhà trường cùng giúp nhau để các em định hướng được việc nào nên làm, việc nào nên tránh. Các em cần được trạng bị kiến thức, kỹ năng sống nhiều hơn. Những kiến thức dạy các em tự bảo vệ mình, biết xử lý, kết nối khi bạo lực học đường rất cần được các trường dạy nhiều hơn.
Về hình thức xử lý kỷ luật đối với nhóm học sinh tham gia đánh bạn, Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt, cho rằng: Đuổi học chỉ là hạ sách.
Tâm lý học trò lứa tuổi THCS biến động rất phức tạp, vì thế, nếu bị đuổi học, hậu quả sau đó người lớn khó mà lường được. Không có giải pháp nào tối ưu để hạn chế tình trạng bạo lực học đường cho mọi đối tượng, nhưng với những trường hợp nêu trên có thể giúp học trò theo hướng nhân văn.
Cho học trò tham gia các khóa học chuyên dành cho trẻ em như: Khóa tu thiền định, khóa tu mùa hè, một ngày niệm phật, khóa học về tình yêu và sự sẻ chia, khóa học về lòng biết ơn... Gần đây, những khóa học này được các chùa tổ chức mang lại hiệu quả khá tốt trong việc tĩnh tâm, suy nghĩ tích cực cho học trò.