Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Công nghệ

Dưới ma trận thông tin, người Mỹ chẳng biết tin ai và làm cách nào để chống lại Covid-19

Có quá nhiều lỗ hổng thông tin với người Mỹ vào lúc này, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp.

Katie Gooch cùng con trai 3 tuổi của mình đang ngồi chơi bên một dòng sông gần nhà tại Richmond. Cách đó chưa đầy 2m là một bà mẹ khác cũng ngồi chơi cùng con. Cả 2 đứa trẻ đều không đeo khẩu trang, nhưng chẳng ai quan tâm. Điều này có nghĩa, Gooch và bà mẹ kia tin tưởng nhau, dù họ chẳng quen biết.

"Trong vòng 2 phút, cô ta quay sang tôi rồi hỏi "Chị biết không, có một nhóm bí mật trên Facebook?'' - Gooch hồi tưởng. Đó là nhóm "Hội các bà mẹ ủng hộ tái mở cửa", với hơn 20.000 phụ nữ tham gia. Tất cả đều giống Gooch, tin rằng dù Covid-19 mang rủi ro như thế nào thì các trường học vẫn nên mở cửa trở lại.

Khi người Mỹ chết chìm dưới ma trận thông tin: Chẳng còn biết tin ai và làm cách nào để chống lại Covid-19 - Ảnh 1.

Ma trận thông tin đang đánh quỵ người Mỹ

Cách đó tầm 700 dặm, bà Mary Gail Lowery - một nhà giáo về hưu đang ngồi câu cá với cháu trai tại Tuscaloosa. Bà vẫn mang theo khẩu trang, nhưng chỉ đeo khi vào cửa hàng cho "đúng thủ tục". Bởi lẽ, bà tin rằng khẩu trang chẳng có tác dụng vì đối với Covid-19 cả.

"Tôi không tin vào những gì người ta nói nữa," - bà khẳng định. "Tôi tự mình tìm hiểu, tự nhìn vào thực tế." Quan điểm của bà nhận được sự ủng hộ từ Chuck Woolery - một người dẫn show truyền hình nổi tiếng với thâm niên 30 năm trong nghề.

Khi người Mỹ “chết chìm” dưới ma trận thông tin

Trải qua hơn 4 tháng dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, người Mỹ đang bơi - và đôi khi là "chết đuối" - dưới một biển thông tin khác nhau. Nghịch lý thay, sự xác thực của các thông tin lại không được tốt. Việc thiếu đi những lời khuyên phù hợp và thống nhất từ các chuyên gia y tế và quan chức cấp cao, nhiều người quyết định tự đi tìm con đường cho mình. Họ bỏ qua số liệu được công bố, tự tìm hiểu cách tồn tại trong đại dịch lần này.

Giữa những thông tin trái chiều, nhiều người tìm đến lời khuyên từ cha mẹ, bạn bè, giới học giả, quan chức y tế địa phương. Nhưng đôi khi, lời khuyên còn đến từ... ngôi sao nổi tiếng, chuyên gia tự phong, hay thậm chí là người dẫn chương trình như trường hợp của Woolery.

Lowery cho biết, ban đầu bà tin tưởng vào Woolery, bởi "ông là một người theo chủ nghĩa bảo thủ". Trên Twitter của Woolery là rất nhiều bài viết phản đối việc đeo khẩu trang, cho rằng các chuyên gia đang nói dối. Nhưng sau này, bà phải thay đổi nhận định, bởi lẽ tài khoản Twitter của người dẫn chương trình gạo cội đã bị xóa sau khi con trai ông dương tính với virus corona.

Khi người Mỹ chết chìm dưới ma trận thông tin: Chẳng còn biết tin ai và làm cách nào để chống lại Covid-19 - Ảnh 2.

Không còn Woolery, Lowery phải tự tìm hiểu xa hơn. Bà từng tin vào tờ Fox News, từng tìm kiếm trên Google, nhưng không biết đâu mới là điều đúng. "Vậy nên tôi quyết định tin vào Bill O'Reilly (một nhà báo) - có vẻ ông ta thực tế hơn."

Bà cũng rất xông xáo sục sạo trên mạng xã hội, tìm kiếm các bác sĩ có quan điểm gần giống với mình, như việc đeo khẩu trang không phải phương pháp bảo hiệu quả để phòng tránh virus. Dẫu vậy, rất nhiều nghiên cứu và bản thân CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) đều khẳng định là có.

"Ai cũng muốn dựa vào số liệu chính thức," - Ross McKinney Jr., nhà virus học cho biết. "Nhưng với ma trận thông tin như hiện nay, chúng ta buộc phải nhìn nhận sự thiên vị của chính mình. Liệu có phải bạn chỉ muốn tin vào một ý kiến, bởi nó xác nhận quan điểm của bạn?"

Khi bang New Mexico cho phép các phòng tập tái hoạt động, Mikaela Kosich - một nhà dịch tễ học với niềm đam mê trượt patin lập tức tìm kiếm thông tin để xác nhận nó. "Tôi tìm kiếm khắp nơi, mong thấy thông tin cho thấy mình thực sự có thể đi tập. Tôi đã rất muốn tìm ra nó, nhưng thật may mắn là... chẳng thấy gì cả."

Khi người Mỹ chết chìm dưới ma trận thông tin: Chẳng còn biết tin ai và làm cách nào để chống lại Covid-19 - Ảnh 3.

Với kinh nghiệm nghiên cứu của mình, Kosich hiểu rằng các vấn đề y tế công cộng sẽ không có câu trả lời chắc chắn. Nhưng với việc các thông tin trái chiều đến từ chính những cơ quan chức năng, nó khiến người Mỹ phải tìm kiếm lời khuyên trên mạng xã hội. Bản thân Kosich theo dõi Twitter của các chuyên gia y tế địa phương, nhưng bạn bè của bà thì dựa vào các nguồn tin kém chất lượng hơn rất nhiều.

"Gia đình tôi tại New Jersey lên kế hoạch tổ chức tiệc, nhưng thống đốc bang vẫn đóng cửa mọi thứ, trong khi nhiều người chẳng tuân thủ luật. Họ đánh giá 2 thái cực ấy là giống nhau, và rốt cục lại chọn thứ mà họ muốn tin."

Ma trận thông tin kinh khủng hơn bao giờ hết

Theo McKinney, cơn khủng hoảng thông tin lần này còn kinh khủng hơn bất kỳ đại dịch nào trong quá khứ. Từ SARS năm 2003 đến cúm lợn H1N1 năm 2009, "chúng ta tin tưởng vào giới chuyên gia và nghe lời khuyên từ CDC, cho đến những người có chuyên môn trong ngành nghề," - ông chia sẻ. Còn giờ, các thông tin giống như một mớ hỗn độn và khiến mọi người cảm thấy lạc lõng.

"Họ không biết phải đánh giá rủi ro như thế nào nữa."

Khi người Mỹ chết chìm dưới ma trận thông tin: Chẳng còn biết tin ai và làm cách nào để chống lại Covid-19 - Ảnh 4.

Để bù vào các khoảng trống thông tin từ chính phủ, các tổ chức y tế và giới khoa học gia đã tự ban hành bản hướng dẫn của mình. Như Hiệp hội y khoa Texas, họ lập ra một danh sách xếp hạng độ rủi ro của 37 hành động thường ngày, từ việc nhận hàng (rủi ro thấp) cho đến tụ tập đi bar, tham gia các buổi lễ tôn giáo (rủi ro cao).

"Khi không có hướng đi rõ ràng từ chính quyền cấp cao, thực sự sẽ không có câu trả lời đúng," - Ezekiel Emanuel, chuyên gia cố vấn chính sách y tế cho biết. "Chúng ta chỉ cần biết về rủi ro, và mức độ rủi ro sẵn sàng chấp nhận như thế nào."

"Chúng ta đang phải đối mặt với quá nhiều điều phi lý từ mọi phía," - trích lời Babur B. Lateef, bác sĩ nhãn khoa tại Bắc Virginia, cũng là chủ tịch hội đồng quản trị trường học hạt Prince William. Trên cả 2 cương vị, Lateef cho biết ông đã chứng kiến nhiều phụ huynh thúc giục nhà trường mở cửa lại, nhưng có người lại cực lực phản đối hết sức gay gắt về vấn đề ấy.

Về phần mình Lateef và vợ - cũng là bác sĩ - chỉ dựa vào số liệu từ ĐH John Hopkins và ĐH Washington, cũng như sở y tế bang Virginia. Ông cố gắng tránh xa mạng xã hội - nơi thường xuyên có những thông tin không chuẩn xác. Tuy nhiên trên cương vị là chủ tịch hội đồng trường, Lateef vẫn cần để ý đến các thông tin trên mạng. Chỉ là ông hiểu rằng, dù hệ thống giáo dục có làm gì, vẫn sẽ có những ý kiến phản đối.

Chỉ nên tin vào khoa học

Alex Berenson - cựu phóng viên tờ New York Times từ lâu đã được nhiều người xem là nguồn tin chất lượng về sự nguy hiểm của Covid-19. Tuy nhiên, ông tin rằng mọi người nên có những quyết định của riêng mình, dựa trên các nghiên cứu khoa học

"Tôi tin rằng quan điểm của mình về virus là đúng đắn, nhưng là người trưởng thành, các bạn nên tự đưa ra quyết định của mình," - ông chia sẻ.

Khi người Mỹ chết chìm dưới ma trận thông tin: Chẳng còn biết tin ai và làm cách nào để chống lại Covid-19 - Ảnh 5.

Berenson cho rằng mọi người tin tưởng ông là bởi "tôi có các số liệu và thông tin mà họ ít thấy ở chỗ khác. Tôi không lan truyền các thuyết âm mưu vô căn cứ; tôi chỉ đưa ra số liệu và thực tế từ chính quyền địa phương và liên bang." Chẳng hạn như vấn đề khẩu trang. Berenson cho biết mọi người "muốn biết tại sao chỉ vài tháng trước, họ được bảo khẩu trang là không cần thiết, trong khi nhân viên y tế lại phải đeo."

Trên thực tế, do những lo ngại thiếu hụt khẩu trang, thời điểm đầu đại dịch người Mỹ được khuyên không nên đeo. Tuy nhiên, thông tin này bị bác bỏ chỉ sau vài tuần, bởi rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh khẩu trang thực sự giúp kiểm soát sự lây lan của virus.

Theo McKinney, ma trận thông tin dẫu sao vẫn sẽ có hồi kết. Qua thời gian, các thông tin tốt sẽ ở lại, thông tin yếu kém sẽ dần mất đi bởi thực tế chứng minh. Nhưng trong thời điểm căng thẳng, con đường ấy có vẻ còn rất chông gai.

Nguồn: Washington Post