Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Đường ống xả thải Vũng Áng xả gì?

Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết, đường ống xả thải khổng lồ của Dự án Formosa thải ra biển Vũng Áng đã cấp phép, nhưng họ xả gì lại là chuyện khác. Thông tin có 5 tàu lạ xuất hiện trước ngày cá chết bất thường gây chú ý.

 

Chiều 23/4, tại Hà Tĩnh, Bộ NN & PTNT đã tổ chức buổi họp, làm việc với lãnh đạo và các ban ngành liên quan cùng 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) về tình trạng cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định, ống xả thải của Formosa đã được cấp phép và đạt chuẩn (ảnh: Trương Hoa)

Chất thải ra biển đi qua trạm quan trắc mới đưa ra môi trường

Khi nói đến đường ống khổng lồ xả thải của Formosa đổ ra biển Vũng Áng, ông Võ Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, mấy ngày qua một số cơ quan báo chí đưa thông tin nghi vấn ống xả thải của Formosa trái phép hoặc chưa qua xử lý, vô cớ tạo hoang mang trong dư luận. Tôi xin nói rõ, đường ống dẫn nước thải ngầm dưới lòng đất của nhà máy đổ ra biển Sơn Dương là công khai, được cấp phép và hoàn toàn hợp pháp.

Cá trôi dạt dọc bờ biển đã có giòi nhúc nhích bên trong, lằng bu khắp cơ thể cá (ảnh: Trương Hoa)

Ngoài ra, đã là đường ống xả thải thì phải chôn dưới đất. Còn nước gì trong đường ống dẫn, đó là nước thải của khu công nghiệp, đã đi qua một trạm quan trắc tự động rồi mới đưa ra môi trường. Ống xả thải này là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về. Được sự cho phép của Bộ TN&MT Việt Nam – Thứ trưởng nói.‘’Đường ống dẫn thải là đạt chuẩn. Tuy nhiên họ xả thải loại gì, chất thải đó độc hại hay không, có ảnh hưởng môi trường ra sao lại là chuyện khác?"– Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nhân mong muốn, cơ quan chuyên môn nhanh chóng tìm ra được chất độc gây chết cá hàng loạt tại các lồng bè, bờ biển dọc miền Trung.

Cuộc làm việc giữa Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT với 4 tỉnh về vấn đề cá chết hàng loạt (ảnh: Trương Hoa)

Được biết, đường ống xả thải này có đường kính 1m, kéo dài 1,5km, được chôn dưới mặt đất và chạy thẳng ngoài biển, nằm ở tầng đáy. Lưu lượng xả thải mỗi ngày là 12.000m3.

Ngư dân nên quay lại sản xuất

Thiệt hại về thủy sản tại 4 tỉnh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là rất lớn, trong đó Quảng Trị là 30 tấn, Hà Tĩnh thiệt hại hơn 4,7 tỷ đồng, hai tỉnh còn lại chưa thống kê. Hiện tượng cá chết hàng loạt thời gian qua, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh doanh của ngư dân, hoạt động ngư trường, kinh doanh buôn bán thủy hải sản vùng biển bị ngừng trệ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (bên tay trái) chủ trì cuộc làm việc, khuyến cáo ngư dân nên sớm quay lại ngư trường (ảnh: Trương Hoa)

Tại Vũng Áng, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) các quán xá kinh doanh hải sản như: Cá, mực, tôm... vắng khách ra vào, hoạt động buôn bán dường như đứng yên. Theo ông Nguyễn Văn Lý, chủ một quán ăn mực nhảy tại Vũng Áng chia sẻ, thường vào dịp nắng nóng, khách tập trung về đây ăn uống rất nhiều, từ đợt cá chết, chả ai vào ăn uống, họ sợ ăn cá, mực sẽ bị nhiễm độc.
Đặc biệt, thuyền cá, mực, tôm, cua đánh bắt về không ai mua nên phải ‘’đóng tàu’’. Các chợ ven  biển, bày bán hải sản đều bị khách từ chối. Thậm chí để bán chạy hải sản, ngư dân phải bán đổ, bán tháo với giá bèo cho khách, có lúc cho không dân họ cũng không lấy – ông Nguyễn Minh Hải, ngư dân xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh than thở.
Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu các tỉnh sớm khắc phục hậu quả, làm sạch môi trường lồng bè nuôi thủy sản, thu dọn, chôn lấp thủy sản chết, đảm bảo môi trường trong sạch dọc bờ biển. Đồng thời, đề nghị ngư dân quay lại khai thác nuôi trồng thủy hải sản. Đây là và vấn đề sống còn của bà con.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, sáng 23/4 đoàn lãnh đạo tỉnh, do ông dẫn đầu đến tại các xã Kỳ Nam, Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh kiểm tra, thu dọn, chôn lấp xác cá trôi dạt lên ven bờ biển. Đến chiều cùng ngày, thông báo từ phòng NN&PTNT thị xã Kỳ Anh công tác thu dọn, vệ sinh môi trường ven biển cơ bản đã hoàn thành.
Ông Sơn khuyến báo, hiện tại các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản ở Vũng Áng, nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình thường. Những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này.
Ông Sơn cũng khẳng định, hiện phía tỉnh đã có văn bản thống kê thiệt hại thủy sản của ngư dân vùng biển TX Kỳ Anh báo cáo Bộ NN&PTNT, đề nghị có chính sách hỗ trợ xứng đáng cho ngư dân. Đề nghị này cũng đã được Bộ đồng ý phê duyệt.

Tiếp tục đi tìm độc tố, xuất hiện 5 tàu lạ trước khi cá chết 

Trong cuộc họp, ý kiến của ông Trần Lê Nguyên Hùng - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế cho biết, thời điểm trước khi cá chết hàng loạt, xuất hiện 5 tàu nước ngọt, lạ xuất hiện tại vùng biển tỉnh này. Ngay sau đó, cơ quan chuyên môn đã có báo cáo, yêu cầu các tàu vào cảng đăng ký thông tin, thì hôm sau cá chết bất thường. Vì vậy, chúng ta không loại trừ  hoạt động của tàu cá và giao thông vận tải trên biển vào thời điểm cá chết.

Ông Trần Lê Nguyên Hùng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế nói, chúng ta không nên loại trừ hoạt động của tàu trước thời điểm có cá chết (ảnh: Trương Hoa)

Ông Hùng cũng đặt giả thiết, tại sao vùng biển có cá chết đầu tiên không phải ở điểm đầu là Nghệ An mà lại Hà Tĩnh hay điểm cuối là Nha Trang... thiệt hại về thủy sản mà ngư dân vùng biển miền Trung phải gánh chịu là quá lớn.
‘’Điều đáng nói là hiện tượng cá chết không chỉ ở vùng biển Hà Tĩnh mà còn lan ra tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Nguyên nhân cá bị nhiễm chất độc, độc tố của nó phải cực mạnh, mới gây chết cá nhiều đến vậy’’– bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển khẳng định.
Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng khẳng định, nguyên nhân dịch bệnh đã được loại trừ. Còn lại là độc tố. Nhưng độc tố do thiên nhiên hay con người thì phải xác định. Cụ thể, độc tố sinh học (tảo độc) hay độc tố hóa học và nhiều yếu tố khác... tất cả đều nằm trong khả năng và cần thời gian để tìm ra.