Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẵn sàng khai thác thương mại trong quý I-2021

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang khẩn trương cho các công đoạn cuối cùng để có thể đưa vào khai thác thương mại phục vụ nhân dân dự kiến trong quý I-2021.

Những hư hỏng, xuống cấp tại các nhà ga đang được Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) và tổng thầu rà soát, khắc phục, bảo đảm chất lượng trước khi bàn giao cho thành phố Hà Nội. Quá trình chạy thử toàn hệ thống để đánh giá an toàn, phục vụ công tác nghiệm thu cũng đang được triển khai bảo đảm yêu cầu. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang khẩn trương cho các công đoạn cuối cùng để có thể đưa vào khai thác thương mại phục vụ nhân dân dự kiến trong quý I-2021.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay tại ga Cát Linh đang có nhiều xe tải, ô tô con và xe máy đỗ trong tầng 1 và vỉa hè trước nhà ga.

Tình trạng bị chiếm dụng cũng diễn ra tại ga Thượng Đình. Chân cầu thang của nhà ga (phía bên phải theo hướng từ Hà Đông lên Ngã Tư Sở) đã bị một gara ô tô chiếm dụng làm chỗ để xe máy, lốp ô tô hỏng. Cũng tại cầu thang này, xưởng sửa chữa xe máy Sài Gòn Motor tại 231B Nguyễn Trãi còn tranh thủ quảng cáo dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và cứu hộ xe…

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẵn sàng khai thác thương mại trong quý I-2021 - Ảnh 1.

Tại ga Cát Linh đang có nhiều xe tải, ô tô con và xe máy đỗ ngay trong tầng 1.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẵn sàng khai thác thương mại trong quý I-2021 - Ảnh 2.

Chân cầu thang ga Thượng Đình bị chiếm dụng.

Không chỉ bị chiếm dụng, nhiều nhà ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông như ga La Khê, ga Hà Đông, ga Văn Quán, ga Phùng Khoang... sau thời gian để lâu không khai thác (do dự án bị chậm tiến độ) đã dẫn tới hiện tượng lớp sơn phủ bị bong tróc, mất mỹ quan. Một số nhà ga còn xuất hiện tình trạng thấm nước tại ngay vị trí đấu nối đường điện, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy…

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, việc khắc phục các hư hỏng này thuộc trách nhiệm của tổng thầu dự án. Hiện, tổng thầu đang tiến hành rà soát trên toàn bộ 12 nhà ga dọc tuyến nhằm xác định các hư hỏng, xuống cấp để kịp thời khắc phục.

“Đối với các hiện tượng lấn chiếm nhà ga làm chỗ đỗ xe, bán hàng, Ban Quản lý đã đề nghị chính quyền các địa phương nơi dự án đi qua tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ xử lý dứt điểm vi phạm. Tôi tin rằng, các bất cập này sẽ được giải quyết dứt điểm nhằm bảo đảm mỹ quan, chất lượng trước khi bàn giao cho thành phố quản lý, vận hành phục vụ nhân dân”, ông Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẵn sàng khai thác thương mại trong quý I-2021 - Ảnh 3.

Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang chạy thử.

Từ ngày 12-12-2020 đến ngày 31-12-2020, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bước vào giai đoạn chạy thử 20 ngày để đánh giá an toàn hệ thống, phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Nguyễn Văn Ngọc cho biết, quá trình chạy thử này tuân thủ theo đúng biểu đồ vận hành chạy tàu khai thác thương mại với 287 lượt chạy tàu mỗi ngày, khung giờ cao điểm từ 5-6 phút/lượt; giờ bình thường 10 phút/lượt; bắt đầu vận hành từ 5h đến 23h hằng ngày.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, trong những ngày chạy thử để đánh giá an toàn hệ thống, Hanoi Metro đã đưa 700 người lên tuyến và các nhân sự của Hanoi Metro hoàn toàn tự chủ vận hành. Một số bộ phận kỹ thuật, an toàn, bảo vệ làm việc 3 ca, bảo đảm ứng trực 24/24 giờ. Kể từ ngày 12-12-2020 (thời điểm bắt đầu vận hành thử) đến nay, mọi việc diễn ra suôn sẻ, tuân thủ theo đúng các yêu cầu kỹ thuật. Tỷ lệ hoàn thành chuyến lượt đạt 100%, tỷ lệ đúng giờ đạt trên 99%.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Ngọc, để sẵn sàng tiếp nhận và đưa vào vận hành phục vụ nhân dân, ngày 19-10-2020, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND ban hành quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Các cơ quan liên quan của thành phố tùy theo chức năng của mình đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ. Hanoi Metro cũng đã tập trung hoàn thiện bộ máy hoạt động, tuyển dụng, đào tạo nhân lực và in ấn các tài liệu hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ; Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hoàn thành xây dựng các kịch bản kết nối hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị; xây dựng phương án thẻ vé…

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẵn sàng khai thác thương mại trong quý I-2021 - Ảnh 4.

Nhân sự của Hanoi Metro vận hành thử với tỷ lệ đúng giờ đạt trên 99%.

HĐND thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé để áp dụng khi được phép khai thác thương mại. Vé được chia thành nhiều loại khác nhau như: Vé tháng, vé ngày, vé lượt.

Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường); vé ngày (30.000 đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày); vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.