Thế là, Sở GTVT Hà Nội tức tốc ra văn bản đề nghị UBND 4 quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội lập bãi trông giữ xe máy, xe đạp cho người dân đi tàu.
Qua câu chuyện này cho thấy một thực tế, các cán bộ nhà ta làm việc như trên… mây. Việc đưa tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động đã khiến rất nhiều cái thiếu bộc lộ. Nhiều người nói rằng, nếu cứ như hiện nay thì người dân đi lại bằng tàu điện hoặc phải đi bộ, hoặc phải sử dụng phương tiện cá nhân đến ga tàu rồi gửi lại, thậm chí phải mua thêm một chiếc xe máy hoặc xe đạp ở ga đến để có thể tiếp tục di chuyển tới địa điểm cần đến cuối cùng.
Có nghĩa là sẽ phát sinh rất nhiều điều bất tiện. Cũng có nghĩa, ngay cả khi những loại phương tiện hiện đại như đường sắt đô thị được đưa vào sử dụng thì vẫn chưa chắc hạn chế được phương tiện cá nhân.
Theo một số nhà đô thị học, để phát huy hiệu quả các loại phương tiện giao thông công cộng thì cần có nhiều yếu tố, ngoài vấn đề quy hoạch đô thị một cách khoa học, theo các phân khu chức năng thì việc kết nối giữa các loại phương tiện có ý nghĩa quyết định. Vì thế, nếu chỉ đưa vào vận hành một loại phương tiện mới mà không có sự kết nối với các phương tiện công cộng khác thì hiệu quả sẽ không cao.
Mà muốn có sự kết nối tốt thì hạ tầng giao thông phải tốt, đáp ứng được nhu cầu lưu thông của các loại phương tiện. Trong khi hệ thống hạ tầng giao thông ở Hà Nội cũng như TP. Hồ Chí Minh còn khá yếu kém, diện tích đường sá giao thông tính trên quy mô dân số rất nhỏ so với tiêu chuẩn chung của thế giới.
Cách đây mấy ngày, cũng chính Sở GTVT Hà Nội đề xuất việc thu phí các phương tiện giao thông đi vào khu vực trung tâm thành phố. Theo lý giải của đơn vị này, mục đích của việc thu phí là nhằm hạn chế phương tiện giao thông, giảm ùn tắc đường và hạn chế xả thải gây ô nhiễm môi trường. Nhưng thực tế đã chỉ ra, hiện thành phố chưa có hạ tầng đủ tốt, cũng chưa có các giải pháp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nếu hạn chế phương tiện cá nhân, trong khi mức độ đáp ứng của các loại phương tiện công cộng còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ bé.
Dư luận đặt dấu hỏi, đề xuất thu phí đối với phương tiện ra vào khu vực trung tâm là để phục vụ lợi ích dân sinh hay chỉ để thu tiền? Rất may là UBND TP. Hà Nội đã không chấp thuận đề xuất này bởi với hệ thống hạ tầng yếu kém như vậy, việc bắt người dân phải nộp phí để "mua" quyền ra vào khu vực trung tâm thành phố là không hợp lý.
Nhìn qua Singapore, nước này đã áp dụng chính sách thu phí đối với phương tiện giao thông cá nhân từ lâu, với mức phí rất cao. Nhưng bù lại, họ có hệ thống giao thông công cộng tuyệt vời nên những người có điều kiện sẵn lòng nộp phí để được quyền chạy xe hơi, còn những người khác thì hoàn toàn có thể đi lại bằng tàu điện ngầm hay xe buýt một cách thoải mái.
Khi nào nước ta phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tiệm cận được với trình độ của họ thì hãy nghĩ tới chuyện thu phí.