Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Duy trì hội chẩn từ xa với bệnh viện tuyến dưới hàng tuần

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về việc tăng cường thực hiện Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa”, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến trên tăng cường thực hiện duy trì các buổi hội chẩn với bệnh viện tuyến dưới hàng tuần.

Đồng thời, tăng cường hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hội thảo từ xa để nhiều bệnh viện tuyến dưới tham gia.

Các đơn vị phối hợp với các cơ quan báo đài tổ chức hoạt động truyền thông kết quả của Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” của đơn vị.

Mỗi tuần, các bệnh viện báo cáo kết quả của tuần đó và kế hoạch tuần tới về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để Cục tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.
Đề án “Khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025” bao gồm các hoạt động chính sau:

1. Tư vấn y tế từ xa (tele-health): tư vấn sức khỏe từ xa, từ bác sỹ đến người dân

2. Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa: từ bệnh viện tới trung tâm y tế, phòng khám tuyến huyện, xã.

3. Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa

4. Hội chẩn tư vấn các xét nghiệm huyết học, truyền máu, vi sinh, hóa sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh,…)

5. Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa

6. Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giữa các cơ sở y tế với nhau.

7. Sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh trong một số dịch vụ y tế

8. Truyền thông cho người dân, khuyến khích sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa.

9. Hướng dẫn hoạt động khám, chữa bệnh từ xa.

 

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tư vấn, hội chẩn từ xa cho Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng ngày 15/09/2020.


Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” hướng tới mục tiêu mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa đến các cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, đồng thời trong tương lai sẽ kết nối các bệnh viện tuyến trên với các nước có nền y khoa tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Khám, chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thực sự cần thiết; giảm tập trung đông bệnh nhân tại các cơ sở y tế, nhất là khi có dịch bệnh; hạn chế chuyển tuyến, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên, đồng thời tạo được lòng tin của người dân với chất lượng khám, chữa bệnh của y tế cơ sở nói riêng và toàn hệ thống y tế nói chung.

Không những thế, đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa còn mang đến cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế tuyến dưới, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và từng cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới...

Hiện nay, có 22 bệnh viện tuyến Trung ương thuộc Đề án 2826, gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Đa khoa Trung ương Huế, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương, Nhiệt đới Trung ương, Nội tiết Trung ương, Phổi Trung ương, Tai Mũi Họng Trung ương, Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TPHCM, Thống Nhất, K, E,  Châm cứu Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương và Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Ngoài ra, có thêm 11 bệnh viện tuyến trên của Hà Nội và TP.HCM tham gia đề án này, trong đó Hà Nội có 5 bệnh viện gồm bệnh viện: Xanh Pôn, Ung bướu Hà Nội, Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội và Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác; TP.HCM có 6 bệnh viện là Ung bướu TPHCM, Từ Dũ, Nhi đồng I, Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Hùng Vương.

Khánh Linh/GĐ&TE