Theo Chương trình Nghị sự 2030, Việt Nam không chỉ thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà còn xây dựng các cơ chế pháp luật liên quan đến phát triển bền vững, cảnh báo sớm những nguy cơ đối với Việt Nam trong vấn đề này.
Bảo đảm mọi người dân được tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển
Giới thiệu tổng quan về Chương trình và tình hình thực hiện ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) cho biết, để thế chế hoá Chương trình nghị sự 2030, Chính phủ đang xây dựng và sẽ trình QH Kế hoạch hành động cụ thể.
Theo kế hoạch này, đến năm 2030, Việt Nam hướng đến mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu;
Bảo đảm mọi người dân phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hoà bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.
Để thực hiện, trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam xác định nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống thể chế PTBV, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PTBV quốc gia; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Kế hoạch và các mục tiêu PTBV.
Đến năm 2030, đảm bảo đưa nội dung PTBV và các mục tiêu PTBV vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục và đào tạo các cấp.
Thông qua các thông tin báo chí, các nội dung liên quan đến Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững sẽ được phổ biến sâu rộng và lan tỏa trong xã hội và cộng đồng người dân.
Mục tiêu phát triển bền vững đến 2030: chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi
Kế hoạch hành động của Chương trình Nghị sự của Việt Nam gồm 115 mục tiêu. Theo đó, các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 bao gồm: chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng cho trả cho tất cả mọi người; đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững…
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực, chú trọng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, hoạch định chính sách, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về mục tiêu PTBV.
Quang cảnh Hội thảo
Các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 là hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển bền vững quốc gia; tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Kế hoạch hành động và các mục tiêu phát triển bền vững.
Kế hoạch hành động này sẽ là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước; đồng thời, thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững.
Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 25-27/9/2015 tại NewYork. Tại hội nghị, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đã khẳng định, Việt Nam ủng hộ và cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững. Chương trình Nghị sự 2030 đã đưa ra tầm nhìn cho giai đoạn phát triển 15 năm với 17 mục tiêu phát triển bền vững và các hành động tiếp nối. Mỗi quốc gia trên thế giới sẽ đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững phù hợp với bối cảnh của quốc gia; đồng thời, quyết định cách thức thực hiện lồng ghép các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững vào quá trình lập kế hoạch và xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển của quốc gia. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tổ chức các hoạt động nhằm triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. Chương trình Nghị sự 2030 đã được đưa vào các Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước và quốc tế cộng đồng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và đã trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 vừa qua. |