Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Em bé Napan” - Hành trình từ chiến tranh đến lòng vị tha

Nói đến chiến tranh Việt Nam, dư luận lại nhớ đến những bức ảnh báo chí nổi tiếng, trong đó có bức ảnh của phóng viên hãng AP Nick Út chụp năm 1972. Bức ảnh mô tả bé gái mình trần, gào thét chạy trốn trước trận bom Napan kinh hoàng. Bức ảnh đánh dấu sự thăng trầm đời người, hành trình từ chiến tranh đến lòng vị tha của phụ nữ Việt.

 

Từ “Em bé Napan”...

Bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng AP, khi đó mới 21 tuổi, ghi lại hình ảnh bé gái 9 tuổi, da thịt và áo quần cháy xém bởi bom Napan đang cố tìm cách thoát thân.

“Em bé Napan” hiện nay chính là bà Phan Thị Kim Phúc, người Canada gốc Việt, sinh năm 1963. Ngày 8/6/1972, máy bay của chính quyền Sài Gòn ném bom trúng làng nơi gia đình bà đang sinh sống. Ngoài Kim Phúc còn một số trẻ em khác vừa khóc vừa chạy ra ngã ba Trảng Bàng. Kim Phúc bị bỏng nặng nhất, cháy hết quần áo, bất tỉnh trước khi đưa đi cấp cứu. Với khoảnh khắc hiếm hoi này, bức ảnh trở thành một “nhân chứng sống” về sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam. Phóng viên Nick Út là người đã đưa Kim Phúc và những đứa trẻ bị thương khác vào Bệnh viện Barksy ở Sài Gòn.

Do vết thương quá nặng nên người ta không hy vọng em bé có thể sống sót, nhưng sau 14 tháng điều trị tại bệnh viện và qua 17 lần phẫu thuật, Kim Phúc bình phục. Sau đó phóng viên Nick Út vẫn liên lạc với Kim Phúc cho đến khi ông rời Sài Gòn năm 1975. Ngay sau khi ra đời, bức ảnh đã được đưa lên trang bìa của nhiều tờ báo lớn, trong đó có New York Times. Bức ảnh được trao Giải Pulitzer và là 1 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế giới thế kỷ XX do đại học Columbia, Mỹ bình chọn.

Theo giới quan sát, bức ảnh có một sức mạnh phi thường, thông điệp giúp nhân loại hiểu sâu hơn về chiến tranh, là cú hích, thúc đẩy chiến tranh Việt Nam nhanh kết thúc, đặc biệt là sự kiện ký kết Hiệp định Paris được thực hiện sau đó 7 tháng.

                                                “Em bé Napan” Kim Phúc xưa và nay

...Đến Đại sứ thiện chí của LHQ

“Em bé Napan” giờ đây đã 52 tuổi, với mái ấm gia đình bình yên, hạnh phúc tại ngoại ô Toronto, Canada. “Tôi không bao giờ quên được cái ngày kinh hoàng khi chúng tôi phải chạy trốn để tránh bom. Đau đớn không thể nào tưởng tượng được. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ mình sẽ chết nhưng sức mạnh bản năng đã giúp tôi vượt qua đau đớn”, bà Kim Phúc nói với CNN.

“Sự căm giận bên trong tôi chất cao như núi. Tôi căm ghét cuộc sống. Tôi thù hận mọi người bởi vì tôi không được bình thường. Nhiều lần tôi thực sự muốn chết. Tôi dành cả ngày trong thư viện tìm đọc nhiều sách tôn giáo để tìm kiếm mục đích cuộc sống... Vẫn còn những vết sẹo trên thân thể tôi, nhưng tấm lòng tôi đã được thanh thản”, bà Kim Phúc nhớ lại. Ban đầu, bà không thích bức ảnh bởi nó làm bà xấu hổ, tâm lý sợ, đau đớn thể xác lẫn tinh thần, nhưng thực tế, không một ai có suy nghĩ chê trách hoặc phê phán hình ảnh ở trần của bà, thay vào đó là nỗi cảm thông và sự ghê sợ về chiến tranh. Thấu hiểu điều này, bà Kim Phúc cũng thấy nguôi ngoai và mọi thứ thay đổi theo chiều hướng tích cực. “Hầu hết mọi người biết bức ảnh này nhưng lại biết rất ít về cuộc đời tôi. Tôi nhận thấy, chính tôi là hình tượng một bé gái đầy sức sống. Và một khi không thể thoát khỏi bức ảnh thì tốt hơn hãy sử dụng nó vì mục đích hòa bình”, bà Phúc kể.

Giờ đây, ngoài vai trò là người vợ, người mẹ, bà Kim Phúc còn là chuyên gia, đại sứ thiện chí của LHQ. Hằng năm, bà đi nhiều nơi trên thế giới để thực hiện sứ mệnh đại sứ, giúp mọi người hiểu sâu thêm nỗi tàn khốc của chiến tranh, truyền cảm hứng, nghị lực cho mọi người, nhất là những nơi chiến sự đang diễn ra thông qua hình ảnh và tấm gương của mình.

Không chỉ làm việc cho LHQ, bà Kim Phúc còn đứng đầu quỹ từ thiện mang tên Kim Foundation International (KFI) nhằm giúp đỡ trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. KFI đóng góp tiền của để xây dựng bệnh viện, trường học và nhà ở cho trẻ mồ côi, nạn nhân chiến tranh.

“Cô bé nhỏ đáng thương trong ảnh giờ đây không còn phải chạy nữa mà đang bay cao”, bà Kim Phúc chia sẻ. Chính bức ảnh tác động rất lớn đến cuộc đời cũng như những việc làm hướng thiện của bà, giúp bà cống hiến nhiều hơn cho hòa bình. “Tôi thực sự biết ơn bức ảnh, bởi nó giúp tôi làm được nhiều việc thiện, có ích cho đời, cho hòa bình, giúp mọi người hiểu thêm về chiến tranh, cùng nhau tạo ra thế giới hòa bình và thân thiện. Không ai có thể thay đổi quá khứ, nhưng mỗi người đều có thể chung tay xây dựng một nền hòa bình cho tương lai”.