Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Em còn nhớ hội Lồng Tồng năm ấy?

 
Cô gái ấy là con gái cưng của cô giáo chủ nhiệm, chính vì thế, dù rất thích nhưng chưa một lần anh dám cầm tay. Mỗi cuối tuần, trở lại trường học sau khi về thăm nhà, anh lại “kiếm cớ”, khi thì mang cho cô gánh củi, lúc vài củ măng rừng, hoặc hai, ba ống gạo nếp. Hầu như đứa học trò vùng cao nào cũng vậy, món quà dành cho thầy cô là quà quê, do nhà làm được, với lý do “bố mẹ em gửi”, đơn sơ nhưng tình cảm và gần gũi. Lần nào đến nhà, anh cũng chỉ mong cô giáo đi vắng, để có thể trò chuyện với nàng dăm ba câu, lần nào cũng lắp bắp, không đầu không cuối. 
 
Nhà anh gần nhà bà ngoại nàng, chính vì thế, nàng cũng hay hỏi thăm ngoại qua anh. Anh có cớ để ở lại lâu hơn, và thi thoảng ngắm trộm nàng. Những rung cảm đầu đời thổn thức trong trái tim chàng trai 17, song chẳng ai mách cho anh cách bày tỏ tình cảm ấy. Vài ba lần viết thư rồi lại xé, xé rồi lại viết… Anh chỉ dám nhìn nàng từ phía xa, vì đến gần lại đỏ mặt. 
 
 
Thế rồi mùa xuân năm ấy, đúng dịp lễ hội Lồng Tồng, khi các gia đình đều đã quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách; khi người lớn kính cẩn đội mâm cúng ra thửa ruộng lớn nhất trên cánh đồng của bản để chuẩn bị cho nghi thức cầu mùa; khi thầy Mo làm lễ khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, khi nghi thức “Xuống đồng” sắp được thực hiện, thì ngay trên triền dốc, anh gặp nàng cùng nhóm bạn đi ngược chiều. Bắt gặp ánh mắt say đắm của anh, đôi má nàng ửng đỏ. Họ đi ngược chiều, nhưng lại cùng gặp nhau ở cánh đồng rộng nhất, nơi thầy mo đang cúng ở chân cột còn. Cúng xong, thầy mo tung cao hai quả còn cho các chàng trai tranh cướp. Ai cướp được quả còn đầu tiên thì người đó được ném còn lên vòng. Người nào ném rách phông giấy thì được thưởng ba vuông vải đỏ, quả còn đó được thầy mo rạch ra lấy các loại hạt bên trong trộn với thúng thóc rang để sẵn trước đó tung lên trên đám đông người dự hội. Mọi người, ai cũng muốn hứng lấy phần nhiều.
 
 
Ở lễ hội Lồng Tồng quê anh, người ta dựng một cây mai cao từ 20 - 30m làm cột còn. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 - 60cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật - Nguyệt, tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Thanh niên ở tuổi bẻ gãy sừng trâu như anh được dân bản chờ đợi sẽ tung trúng vòng tròn, làm rách giấy thì năm đó mưa thuận gió hòa, làm ăn mới thuận lợi. Nhìn thấy nàng ở phía đối diện, anh nín thở cướp được quả còn đầu tiên. Ném còn, thật không thể tin nổi, anh đã làm được điều ấy. Dân bản vỗ tay reo hò, đám thanh niên công kênh anh ra chỗ nam nữ đang thi tung còn cho nhau. Anh và nàng say sưa tung mãi, tung mãi trong những điệu hát Sli mượt mà, tình cảm với những câu Lượn nàng ới giao duyên, tới khi vãn hội mới thôi. 
 
Đến khi nhiều trò chơi khác như đi cà khoeo, đánh quay, đánh yến, đá cầu, đẩy gậy… kết thúc, phần thắng trong các cuộc chơi được ấn định, lũ bạn tới tìm nàng,  giục giã gọi về thì anh mới dứt cơn say… Chạy theo, anh vội dúi vào tay nàng quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều màu sắc sặc sỡ, không quên dặn với theo: “Mùa sau lại đến tung còn!”.
 
Nàng đã không còn trở lại vào mùa xuân năm sau, sau nữa. Gia đình nàng chuyển về xuôi theo ông bà nội, bỏ lại núi rừng một trái tim ngẩn ngơ, thổn thức. Chưa một lời yêu, chẳng lời từ biệt, nhưng trong tim mình, anh coi đó là mối tình đầu vụng dại… Để rồi, mỗi năm xuân về, anh lại đến hội, đứng ngóng từ xa, mong tìm một dáng hình quen thuộc. Anh có một niềm tin mãnh liệt rằng, sẽ có lúc nàng trở lại…

Châu Anh/Tạp chí GĐ&TE