Cuộc đối thoại kéo dài bốn tiếng - được tổ chức trực tuyến và trực tiếp từ Hà Nội - có sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu, Đại sứ các nước thành viên EU tại Việt Nam và lãnh đạo Chính phủ. Các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn của đợt bùng phát dịch lần thứ tư hiện nay và chia sẻ các giải pháp để hỗ trợ các hoạt động kinh tế và xã hội nhằm khôi phục sự phát triển của đất nước sau đại dịch.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany cùng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc xin diện rộng của Việt Nam; đảm bảo sự lưu thông tự do của hàng hóa; đi lại thuận tiện hơn cho người lao động; rút ngắn thời gian cho các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia đã được tiêm vắc xin trở lại Việt Nam làm việc; đảm bảo các nhà máy và công ty có thể hoạt động trở lại càng sớm càng tốt; sống chung với vi-rút để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ sinh kế.
Ông Cany cũng cập nhật thông tin về sáng kiến gây quỹ “Breathe Again – Hồi sinh Nhịp thở” của EuroCham. Đây là chiến dịch gây quỹ lớn với mục tiêu ủng hộ trang thiết bị y tế thiết yêu nhằm hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu và các bệnh viện của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Hiện chiến dịch đã quyên góp được hơn một triệu euro cho máy thở, máy theo dõi bệnh nhân và các trang thiết bị khác cho các bệnh viện ở một số tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch tại Việt Nam.
Phát biểu trong cuộc họp, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết: “Đợt bùng phát dịch lần thứ tư này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Việt Nam. Chỉ số Môi trường Kinh doanh của EuroCham hiện đang ghi nhận kết quả thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể xem xét di chuyển tới các nơi khác trong khu vực.
“Những gì các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi cần bây giờ là một lộ trình rõ ràng cho các biện pháp hiện tại; một giải pháp giải quyết các rào cản đối với hoạt động thương mại và cung cấp cho họ một lộ trình có thể dự đoán được để lên kế hoạch khởi động trở lại các hoạt động kinh doanh. Một trong những vấn đề cấp bách nhất bây giờ là cần có hộ chiếu vắc-xin điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do cho những người đã được tiêm chủng trong và ngoài nước. Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh quy trình cho phép lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia và gia đình của họ quay trở lại Việt Nam. Thủ tục hiện tại vừa tốn thời gian, vừa gây ra nhiều khó khăn, đồng thời, là rào cản đáng kể đối với các hoạt động thương mại và đầu tư, vốn là yếu tố cần thiết để đạt được tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
“Trong khi đó, các chính sách "Ba tại chỗ" hiện tại cần được tinh chỉnh. Trong khi nó đúng về mặt nguyên tắc, quy định này trên thực tế lại đặt ra một gánh nặng rất lớn lên cả các công ty và người lao động của họ. Cũng cần nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai tiêm chủng, ưu tiên những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất để cho phép mở cửa dần dần các tỉnh và thành phố, thúc đẩy các hoạt động thương mại trở lại bình thường; thống nhất các quy định nhằm giảm bớt tâm lý hoang mang cho các công ty và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt; cùng với việc hợp lý hóa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan. ”