Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp nhưng lại đòi hỏi sự hi sinh. Cũng bởi vậy mà hiếm khi bạn có thể thuyết phục ai đó ngồi lại với mình vài tiếng, cắm một chiếc kim to vào tay và cho đi một đơn vị máu.
Hiện nay, các hoạt động vận động hiến máu tình nguyện thường mất rất nhiều thời gian, nhân lực và công sức.Hơn nữa, việc vận chuyển và bảo quản máu cũng rất tốn kém.
Sẽ thế nào nếu như mọi chuyện trở nên đơn giản hơn?
Một ngày, bạn mở Facebook và nhận được một notification thông báo rằng gần bạn có một người đang cần máu, và nó khớp với nhóm máu của bạn. Không chỉ bạn, có thể là vài chục hay vài trăm người gần đó cũng sẽ nhận được một thông báo như vậy.
Bạn có thể đến hiến máu trực tiếp, khi có người cần và khi bạn sẵn sàng.
Mỗi ngày, các bệnh nhân ở Mỹ cần khoảng 14.200 lít máu. Nguồn cung máu luôn luôn bị thiếu hụt. Tùy vào từng khoảng thời gian, một bệnh nhân muốn có máu phải chờ đợi trung bình từ 2 đến 7 ngày.
Nhưng vào ngày 12 tháng 6 vừa rồi, Facebook đã ra mắt một tính năng mới trên nền tảng của mình, hứa hẹn sẽ giải quyết được vấn đề đó. Họ muốn kêu gọi mọi người đăng ký hiến máu tình nguyện.
Chương trình đang được thử nghiệm tại 5 thành phố ở Mỹ là Chicago, New York, San Francisco, Baltimore và Washington, D.C.
Khi ngân hàng máu địa phương ở các thành phố này thiếu hụt một nhóm máu cụ thể, những người có nhóm máu trùng khớp sẽ nhận được thông báo. Điều này sẽ giúp huy động được một lượng máu hiến tặng ở bất cứ đâu và bất cứ nơi nào, chỉ cần có người sẵn sàng.
"Sứ mệnh của chúng tôi là kết nối mọi người lại với nhau", Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành của Facebook cho biết. "Và ở đây, chúng tôi đang kết nối những người sẵn sàng hiến máu với những người cần máu".
Trung bình cứ sau 2 giây lại có một người Mỹ cần máu, theo Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ. Có người cần truyền máu sau khi bị tai nạn, có người cần máu khi phẫu thuật hoặc hóa trị liệu. Có người lại cần máu do mắc bệnh bẩm sinh như thiếu máu hồng cầu hình liềm.
Mặc dù vậy, hiện nay chỉ có khoảng 3% dân số Hoa Kỳ đi hiến máu. Số lượng người mới đăng ký hiến máu tình nguyện lần đầu thậm chí còn đang giảm.
Có nhiều người sẵn sàng hiến máu, nhưng lại không tiếp cận được đến các chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện
"Truyền thống thì chúng tôi vẫn hay vận động mọi người, thông qua việc tổ chức nhiều ngày hội hiến máu tình nguyện ở các trường học và công ty", ông Cliff Numark, Phó chủ tịch cấp cao về Dịch vụ máu tại Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ cho biết.
"Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người làm việc tại nhà hơn, họ có thể không tiếp cận được với các chiến dịch. Nhiều người sẵn sàng hiến máu nhưng lại không biết rằng họ có thể".
Ngày nay, động lực thôi thúc mọi người hiến máu cũng đã thay đổi, theo lời Julie Scott, Giám đốc Chiến lược Tiếp thị và Truyền thông tại Vitalant cho biết. Vitalant là đơn vị lưu trữ máu lớn thứ hai ở Mỹ, với 127 trung tâm hiến máu trên cả nước.
"Trước đây, hiến máu là một nghĩa vụ công dân, là một điều gì đó mà mọi người làm để giúp đỡ đồng bào của mình", cô nói. "Chúng tôi đã nghiên cứu và biết được rằng, một trong số những điều mà người tình nguyện trẻ quan tâm, đó là họ muốn biết kết quả từ sự đóng góp của mình cho các bệnh nhân và biết máu của họ đã được sử dụng như thế nào.
Vì vậy, chúng tôi đã làm nhiều việc khác nhau [để đáp ứng sự quan tâm ấy] như gửi tin nhắn tới các tình nguyện viên, để xác nhận khi máu của họ đã được chuyển đến bệnh viện, cho một bệnh nhân có nhu cầu".
Ở phía ngược lại, khi Facebook có thể trưng bày ra các câu chuyện cá nhân, những người cần máu có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình khi gặp được một người tình nguyện giúp đỡ.
"Facebook có nhiều cách rất riêng để giúp kết nối mọi người lại với nhau", Sandberg cho biết. "Khi nhìn thấy những cái tên thật và khuôn mặt thật, thường thì mọi người sẽ nhảy vào hỗ trợ nhau tức thời".
Có những tín hiệu tốt để tiếp tục nhân rộng mô hình này ra nhiều quốc gia khác.
Bây giờ, Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, Vitalant, Một trung tâm lưu trữ máu khác của Mỹ là Inova, Trung tâm lưu trữ máu New York, Trung tâm lưu trữ máu Thung lũng Rock River, Trung tâm lưu trữ máu Stanford và Versiti, đang hợp tác với Facebook để giúp người dân Mỹ nhận thức rõ hơn về nhu cầu về máu, đồng thời khuyến khích họ đóng góp một phần tài sản sinh học quý giá nhưng có thể tái tạo của mình.
"Nâng cao nhận thức về hiến máu là rất quan trọng", Numark nói. "Một trong những lý do tại sao mọi người không hiến máu là vì họ chưa được hỏi về việc đó. Facebook đã cho chúng tôi cơ hội chia sẻ nhu cầu ấy ra trước mặt những người quan tâm về chủ đề này. Chúng tôi có thể tiếp cận được những người chưa từng được vận động hiến máu trước đây".
Đến nay, chương trình vận động hiến máu của Facebook đã có mặt ở 4 quốc gia: Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Brazil. Theo Facebook, kể từ khi được triển khai vào năm 2017, đã có 35 triệu người tại 4 quốc gia này tham gia hiến máu, 20% trong số họ tin rằng Facebook đã thúc đẩy họ đưa ra quyết định.
Nếu các kết quả lặp lại đúng như vậy, Numark dự đoán Facebook có thể giúp tăng gấp đôi số người hiến máu tiềm năng ở Hoa Kỳ. Và đó là một tín hiệu tốt để tiếp tục nhân rộng mô hình này ra nhiều quốc gia khác.
Tham khảo Time