Theo dữ liệu chính thức của Facebook, mỗi tháng nền tảng này ghi nhận hơn 1,8 tỷ người hoạt động trên các hội nhóm, trong đó các thành viên thường tham gia do cùng quan tâm một chủ đề cụ thể. Các chủ đề có phạm vi rộng rãi, từ nuôi dạy con cái cho đến chính trị.
Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng các đặc điểm trên về hoạt động của nhóm lại dễ dàng tạo điều kiện cho việc lan truyền thông tin giả mạo và sai lệch, trong đó lợi dụng việc các thành viên có cùng mối quan tâm đến một vấn đề cụ thể. Một số nghiên cứu cũng cho thấy các tính năng cộng đồng và riêng tư trên Facebook đều bị những đối tượng xấu lợi dụng để phát tán những thông tin độc hại.
Hồi tháng 3, Facebook đã bắt đầu cho phép các nhóm tự động từ chối đăng tải các nội dung mới được xác định là chứa thông tin sai hoặc giả, đồng thời cập nhật một công cụ khác cho phép các admin tạm thời chặn một số thành viên đăng bài, bình luận hoặc tham gia nhóm. Đối với các nhóm đang tìm cách thu hút thành viên mới, Facebook bổ sung tính năng giúp họ quảng bá cho nhóm bằng cách sử dụng mã QR hoặc email.
Ông Alison cho biết, mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động trên các nhóm là một phần trong tầm nhìn của Meta về một tương lai Metaverse (vũ trụ ảo) hoàn toàn trở thành hiện thực. Facebook cho biết công cụ sàng lọc thông tin sai lệch nằm trong số các cải tiến nhằm mục đích giúp quản trị viên quản lý nhóm dễ dàng hơn, đồng thời thúc đẩy những tương tác tích cực trên mạng xã hội khổng lồ này.
Nhà điều hành Meta Mark Zuckerberg cam kết, sẽ tiếp tục cải tiến và phát triển các tính năng mới để giúp người dùng "kết nối sâu sắc hơn nữa trên phương diện các chủ đề cùng quan tâm", đặc biệt khi đây là một trong những ưu tiên trong phát triển "vũ trụ thực tế ảo" - được ông Zuckerberg coi là chìa khóa cho tương lai của công ty, cũng như nền công nghệ trên toàn cầu.