Nhà máy Formosa
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, khi kiểm tra liên ngành, phát hiện Formosa làm sai thiết kế cơ sở. Thay vì công nghệ luyện cốc là dập khô thì chủ đầu tư đã chuyển sang dùng công nghệ dập ướt. Lý giải về việc "tráo" công nghệ, tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn trong ngành thép giải thích, trong xử lý cốc để luyện thép, hiện có hai công nghệ phổ biến là luyện cốc khô và xử lý ướt. Công nghệ khô ưu điểm ở chỗ thu hồi nhiệt và ít ô nhiễm môi trường, trong khi công nghệ ướt nhược điểm là nguồn nước thải ra lớn và gây mất nhiệt.
Chủ tịch Hiệp hội Thép, ông Hồ Nghĩa Dũng trong cuộc trao đổi với Thanh Niên cũng khẳng định, nếu dùng công nghệ ướt thì kinh phí thấp hơn. TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc thay đổi công nghệ trong thiết kế và mãi sau này cơ quan chức năng mới phát hiện đã cho thấy có nhiều lỗ hổng trong giám sát đầu tư xây dựng. "Mặc dù đến nay dự án chưa chính thức vận hành, song những vi phạm trong quá trình triển khai dự án cho thấy quá nhiều điều bất cập trong các quy định của nhà nước về giám sát thực hiện. Thay đổi công nghệ không theo thiết kế là sự vi phạm lớn", ông Thắng nhận xét.
Bởi theo ông Thắng, đành rằng Nghị định 12/2009, trao quyền cho chủ đầu tư quyết định công nghệ, nhưng một khi thay đổi thì doanh nghiệp phải báo cáo và giải trình việc thay đổi đó có ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả dự án, tác động đến môi trường… và những thay đổi phải theo hướng tác động tích cực chứ không thể ngược lại.
"Đặc biệt, cần xem xét tại sao thiết kế là vậy, nhưng khi nhập máy móc thay đổi mà vẫn qua được cửa hải quan. Vậy thì cần làm rõ xem tại thời điểm đó quy định về khai báo nhập khẩu thế nào… cần kiểm tra đối chiếu xem thực tế có đúng với mẫu mã, chủng loại phù hợp với thiết kế công trình mà anh được cấp phép", ông Thắng nói. Về vấn đề này, lãnh đạo Chi cục Hải quan Vũng Áng thừa nhận, phần lớn máy móc, thiết bị của Formosa nhập khẩu đều được mở tờ khai tại Vũng Áng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục nhập khẩu thì hải quan chủ yếu đối chiếu giữa hàng với các chứng thư thẩm định xem có trùng khớp hay không chứ không thể phân biệt các yếu tố công nghệ, kỹ thuật.
Cần xem lại việc phân cấp
Ở một khía cạnh khác, TS Lưu Bích Hồ chia sẻ, vụ việc cho thấy mục tiêu thu hút FDI để nâng cao công nghệ sản xuất trong nước trong trường hợp này đã thất bại. “Không chỉ công nghệ của nhà máy này mà nói chung, nếu cứ thu hút các dự án thép kiểu này thì phải đánh đổi môi trường là rất lớn, vì đây là ngành có công nghệ gây ô nhiễm nhiều nhất”, ông bình luận. Kể lại câu chuyện mà một lãnh đạo Vụ Giám sát - Thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ rằng hầu hết các nhà máy đắp chiếu do công nghệ lạc hậu đều diễn ra sau khi phân cấp cấp phép đầu tư cho địa phương, theo TS Hồ: “Điều đó cho thấy các địa phương sẵn sàng chạy theo số lượng mà bỏ qua yếu tố chất lượng, hoặc cũng có thể năng lực ở địa phương không thể thẩm định được chất lượng công nghệ mới xảy ra chuyện như thế”…
“Có lẽ đã đến lúc phải xem xét lại vấn đề phân cấp cũng như các quy định về giám sát. Đồng ý phân cấp thể hiện sự dân chủ, nhưng qua những vụ việc kiểu Formosa cho thấy lỗ hổng trong giám sát là rất lớn. Nếu các bộ như Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường hay Công thương không có những cơ chế giám sát thực hiện đầu tư, nhập khẩu máy móc mà cứ giao phó cho các địa phương thì rất có thể địa phương sẽ dễ dãi và gây hậu quả lớn”, TS Lưu Bích Hồ cảnh báo.
Vị chuyên gia này gợi ý, chỉ cần nâng cao các yêu cầu về công nghệ đảm bảo môi trường thì tất yếu sẽ kéo theo chất lượng công nghệ, máy móc. “Bởi nói đơn giản, một cái xe có tiêu chuẩn khí thải Euro 4, thì công nghệ sẽ tốt hơn cái tiêu chuẩn Euro 2”, ông ví dụ.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, cơ quan quản lý đã nhận thấy lỗ hổng trong giám sát về thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định 12/2009 nên khi xây dựng Nghị định 59 thay thế vào năm ngoái, Chính phủ đã siết lại công tác thẩm định, phê duyệt dự án cũng như quá trình thực hiện dự án và ngay cả khi kết thúc xây dựng, đưa công trình vào khai thác sử dụng.