Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Gác niềm riêng, bám đường biên

Khi đại dịch Covid 19 chỉ mới manh nha, Việt Nam đã là một trong số ít quốc gia cẩn trọng trong việc phòng chống, với tổng thể các biện pháp cần thiết. Và biện pháp đầu tiên, là kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới đất liền, với chiều dài hơn 4.639 km, tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Những người lính biên phòng - lực lượng phên dậu trực chốt cửa ngõ biên giới, suốt gần 2 năm nay, các anh không một ngày lơ là cảnh giác.

Đại úy Hoàng Minh Thiết, 34 tuổi, Phó đồn trưởng đồn biên phòng Hướng Lập. Cưới vợ năm 2013, sau 6 năm, vợ chồng mới có được cặp song sinh 1 trai, 1 gái. Nhưng, con trai anh lại bị tim bẩm sinh. Do dịch bệnh Covid, nên 3 tháng rồi, cậu bé biến chứng viêm phổi cấp, Thiết vẫn chưa một lần về nhà.

Thượng úy Lê Thừa Văn, 26 tuổi, đội trưởng đội vận động quần chúng, đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Tốt nghiệp thủ khoa Học viện Biên phòng, chàng trai trẻ xung phong nhận công tác tại vùng biên, cách xa nhà 800 cây số. Vì dịch Covid, anh hoãn tổ chức đám cưới, lời hẹn ước với người yêu ở quê nhà vẫn còn dang dở….

Trung úy Lê Quốc Vương, 29 tuổi, chốt trưởng chốt biên giới sát cột mốc 581, đồn biên phòng Ba Tầng. Lấy nhau 3 năm chưa có con, nay hai vợ chồng lại xa biền biệt. Suốt 3 tháng trời, chồng trực trên chốt, vợ là bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Hai người, chỉ gặp nhau qua sóng điện thoại chập chờn.

Gác niềm riêng, bám đường biên - Ảnh 1.

Gác niềm riêng, bám đường biên - Ảnh 2.

 

Gác niềm riêng, bám đường biên - Ảnh 3.

Tuyên truyền cho bà con cách chống dịch.

Một ngày mới…

Trung úy Vương cùng đồng đội cắm cúi bước nhanh trên đường tuần tra. Bàn chân phải rất gấp gáp, nếu không muốn bị vắt rừng tấn công. Có hôm mưa xuống, cả kiến, mối, bọ đen, bọ muỗi, bọ cạp… vo ve quanh chân, anh em mách nhau bôi trét dầu gió kín đặc từ đùi xuống, may ra mới thoát.

Cơm nắm muối vừng bọc vào từ đêm qua, anh em chia làm 2 cánh, đi xuyên rừng đến hết một đêm, khoảng 6h sáng là về tới lán trại. Quần áo găm đầy cỏ gianh, ướt sũng mồ hôi. Vừa vắt nước phơi lên dây cho ráo, anh em tranh thủ giao ban, rút kinh nghiệm cho tổ tuần tra buổi chiều.

Chốt kiểm dịch sông Sê Pôn, chạy từ bên Việt qua hướng Lào, theo luật biên giới quốc gia hoạch định: dòng chảy chính giữa lòng sông ngăn cách giữa hai nước. Bên này là bản Ka Tăng- Lao Bảo- Việt Nam, bên đối diện là bản Ka Túp 2, cụm bản Ka Túp Mạ Hạt, huyện Sê Pôn, tỉnh Xa va na khẹt- Lào. Nơi đây, người dân thường xuyên qua lại, vừa thu mua nông sản, vừa củng cố tình kết nghĩa bản- bản.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, thượng úy Văn cùng tổ chốt căng mình ra kiểm soát từng người dân qua lại. Do quan hệ thân tộc lâu năm, lại thông thuộc địa hình nên bà con tìm cách đi bằng nhiều đường khác nhau. Đò không hoạt động thì bà con lội bộ qua, tránh chốt kiểm dịch của bộ đội.

Cùng thời điểm đó, cách chốt của Văn 80 km, đại úy Thiết cùng đồng đội vượt suối, lợp lá dựng trại. Cơn giông lốc tối qua với những tia chớp rạch ngang trời, tiếng lộp bộp của đá chạm mặt bàn, tiếng xào xạc của lá bị mưa đá cắt lìa cây khiến căn lán dã chiến bị cuốn tốc mái…. Đợi khi ngớt mưa, cán bộ chiến sỹ nhanh chóng đóng cọc dựng lại lán để tiếp tục nhiệm vụ.

Bữa trưa "dã chiến" trên chốt. Mì tôm, rau rừng, anh em ăn nhanh để nghỉ ngơi vài phút, trước khi lại tỏa ra trực chiến buổi chiều. Văn càng muốn tranh thủ. Nói dân vận ở đâu xa, đây là dân vận ngay với gia đình hai bên, với người vợ chưa cưới của mình. Nói thì có vẻ giản đơn nhưng làm được thật không dễ chút nào…

"Em à, nắng nóng thế này có mệt lắm không?

- Mệt chớ anh.

- Xa anh có buồn không?

- Vợ bộ đội phải chấp nhận chừ răng?

- Trước mắt phòng chống dịch thôi. Đây là đang gián tiếp giúp vợ chống xa dịch bệnh đây..

- Anh ở trên đó có nóng không?

- Nóng chớ, đang ngồi giữa trời nắng oi bức, em có thương không?

- Ai biết covid hắn đến dồn dập thế…

- Mai mốt mình có con cứ gọi con là Covid, coi nó là kỷ niệm nhớ luôn..

….

- Thôi rứa hỉ, gọi điện hỏi thăm em rứa, anh làm tiếp đã…."

2 giờ chiều

Chiếc lều dã chiến được dựng lên là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ của 3 cán bộ, chiến sỹ… Bước chân vào lều bạt, hơi nóng từ ngoài phả vào hầm hập khiến bất cứ ai cũng cảm thấy căng tức ngực, khó thở. Mang tiếng là có lán trại nhưng đa số thời gian trong ngày, anh em phải ra ngoài nằm võng, võng cũng di chuyển theo tán lá cây.

Nắng nóng bỏng rát, cộng với gió Lào mang theo cái bức bối hầm hập. Độ ẩm giảm xuống tối đa, đẩy nhiệt độ lên trên 42 độ - cao hơn cả nhiệt độ cơ thể con người. Những lúc này, anh em phải lấy ruột chăn bông và cây cỏ tranh phủ lên lán trại, giảm bớt nhiệt độ.

Văn rảo bước nhanh từ điểm chốt xuống khu vực biên giới giữa lòng sông Sê Pôn. Đường mòn nhiều lối ngang ngõ tắt, sông suối mùa này nước cạn, bà con không cần đi bè như mọi ngày, mà đi bộ qua là đến bên kia biên giới. Chỉ một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn. Chưa kể sự nguy hiểm khi nguy cơ tiếp xúc lây nhiễm với người mang dịch bệnh là khá cao.

Gác niềm riêng, bám đường biên - Ảnh 4.

Gác niềm riêng, bám đường biên - Ảnh 5.

Trên đường tuần tra

Trên dọc tuyến biên giới Quảng Trị có tổng số gần 180 km đường biên giới, với 84 tổ chốt cố định, 20 tổ lưu động, mỗi tổ từ 3-5 lính biên phòng. Tính trung bình, mỗi người đảm nhiệm 2km đường biên. Nhưng, tuần tra kiểm soát không khó khăn bằng nhiệm vụ "vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà", tuyên truyền cho bà con, bởi bà con thân tộc 2 bên biên giới thường xuyên qua lại làm ăn, thăm hỏi nhau. Trung úy Vương chia sẻ: "Sóng điện thoại không có, bên bản Lào không có điện nên họ vẫn cứ đi qua lại, họ không biết dịch covid này tác hại như thế nào, nhờ BĐBP Việt Nam tuyên truyền, mình phải nói nó nguy hiểm ngang với bệnh ung thư, chết không nhanh bằng bệnh này, khi bị rồi đều nguy hiểm, so sánh với bệnh kiết lị bên Lào, sau đó lấy chuyện các nước các nước khác, họ mới giãn dần ra, mới không đi lại".

Chủ động phòng tránh dịch Covid-19, từ đầu tháng 2 năm 2020, tỉnh Quảng Trị tạm thời cho đóng 4 cửa khẩu phụ dọc tuyến biên giới Việt – Lào. Đây là nơi thường xuyên có các hoạt động qua lại xuyên biên giới nhưng không có hệ thống kiểm dịch, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh khá cao. Trong thời gian này, các hoạt động qua lại biên giới buộc phải tạm dừng và được kiểm soát chặt chẽ.

6 giờ tối

Thôn Loa- xã Ba Tầng- nơi xa nhất ở vùng Lìa, cực Nam huyện Hướng Hóa- tỉnh Quảng Trị, cán bộ chiến sĩ ăn ở, sinh hoạt, tắm giặt ngay tại chốt gác dã chiến sát cột mốc 584, túc trực 24/24h.

Đã 90 ngày, trung úy Vương chưa gặp vợ. Cũng là 90 ngày, vợ anh, vào làm việc tại khu cách ly đặc biệt Bệnh viện lao phổi Quảng Trị. Chiếc điện thoại là vật duy nhất nối gần khoảng cách 130 cây số

Sau bữa cơm tối là giờ tuần tra. Anh em lại chia nhỏ quân số, bám biên trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ngày nắng nóng là thế mà giờ phải khoác thêm áo chống lại giá lạnh… Có khi trời bất chợt đổ mưa rào, anh em phải dùng thêm bạt quây kín các lỗ hở, ngăn gió lùa và mưa hắt vào bên trong căn lán dựng tạm.

Gác niềm riêng, bám đường biên - Ảnh 6.

Bữa cơm ăn vội.

Đêm…

Giấc ngủ giữa rừng chập chờn canh cánh nhiệm vụ. Ba người trên trạm chốt biên cương, mỗi người một niềm trăn trở. Vợ Văn, chưa mặc áo cưới đã biền biệt xa chồng. Liên, vợ Vương, ngày làm việc căng thẳng trong khu cách ly, tối đến lại quanh quẩn 1 mình trong căn nhà vắng. Con trai Thiết mấy bữa nay tiêm thêm kháng sinh, khóc ngằn ngặt. Vợ anh nghỉ hẳn việc ở nhà, ra vào viện cùng con.

Đại úy Thiết, thượng úy Văn, trung úy Vương… suốt nhiều tháng trời nay, cùng đồng đội góp phần canh giữ vững chắc đường biên cương. Trên cả 3 tuyến biên giới, gần 1.900 tổ chốt phòng chống dịch Covid 19 với hơn 7.600 CBCS biên phòng vẫn được yêu cầu giữ nguyên. Hàng nghìn chiến sĩ ngày đêm cần mẫn tuần tra, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, đường mòn, lối mở, không để dịch bệnh xâm nhập từ cửa ngõ vào nội địa. Các anh giữ vững hình ảnh đẹp, là "lá chắn thép" trên tuyến đầu Tổ quốc.

"Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào nước ta, các chiến sĩ Biên phòng luôn là những người trên tuyến đầu ngăn chặn dịch bệnh và tăng cường các biện pháp siết chặt kiểm soát, xuất nhập cảnh, chốt chặn các đường mòn, lối mở. Lực lượng Biên phòng đã hết sức trách nhiệm, không quản khó khăn, hy sinh lợi ích riêng để phục vụ lợi ích chung của Tổ quốc. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ bố mất, mẹ mất không thể về chịu tang. Nhiều chiến sĩ vợ sinh con đầu lòng không thể về thăm. Một số anh em trẻ phải tạm hoãn cưới lần 1 rồi lần 2 để bám chốt cùng đồng đội..." (Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng).