Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Gần 30.000 người Việt Nam chung tay cứu Tê giác

Sau một tháng phát động, chương trình “Ký tên cứu Tê giác” đã nhận được sự ủng hộ của gần 70 nghệ sĩ và người nổi tiếng, thu được gần 30.000 chữ ký cam kết mạnh mẽ không sử dụng sừng tê và tích cực chia sẻ thông điệp đến với cộng đồng mình đang sống. Chương trình do trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (Change) kết hợp với tổ chức Cứu trợ Hoang dã (WildAid) thực hiện.

 

Gần 70 nghệ sĩ, người nổi tiếng đến từ các lĩnh vực khác nhau đã tích cực tham gia vào chương trình, đặc biệt là ngôi sao Hollywood gốc Việt Maggie – Q trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4 vừa qua. Các nghệ sĩ đã giúp lan toả các thông điệp và hình ảnh của chương trình, cũng như chia sẻ quan điểm mạnh mẽ thông qua các bài viết sắc sảo và đầy lôi cuốn trên các trang mạng xã hội, và tham gia các sự kiện của chiến dịch tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bên cạnh đó , cuộc thi “Vẽ móng tay cứu tê giác”- một hoạt động sáng tạo của chương trình nhằm nêu bật  thông điệp “Sừng tê giác có thành phần cấu tạo giống móng tay người, không có tác dụng chữa bệnh ung thư và các bệnh nan y khác”, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng, và đã thu được 121 tác phẩm dự thi, trong đó có những tác phẩm vô cùng chất lượng và ý nghĩa. 

 

 

Cũng trong khuôn khổ chương trình, 7 trường Đại học tại TP.Hồ Chí Minh (ĐH Tài Nguyên Môi Trường, ĐH Kinh Tế TP.HCM, ĐH Hoa Sen, ĐH Ngoại Thương Cơ sở 2, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Khoa Học Tự Nhiên, ĐH Sài Gòn) cùng hơn 1000 bạn sinh viên đã hào hứng tổ chức các chương trình triển lãm, vẽ móng tay và chụp ảnh nhằm kêu gọi giới trẻ lan tỏa thông điệp “cuutegiac”. Bạn Nguyễn Hoàng Tuấn - Trưởng ban PR Câu lạc bộ kinh doanh quốc tế Trường ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ: "Với vai trò là một sinh viên, em thấy chương trình “Ký tên cứu tê giác” là một chương trình rất ý nghĩa, thể hiện được sự quan tâm của cộng đồng đặc biệt là giới trẻ trước tình hình nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn mà tê giác là một minh chứng rõ rệt nhất. Chương trình gây tác động rất lớn đối với những người trẻ như bọn em khi biết được rằng người Việt Nam lại là một trong những “thủ phạm” lớn nhất trong chuyên này". Diễn viên Hồng Ánh, người đã tham gia tích cực các hoạt động của chiến dịch đã hào hứng chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và vinh dự khi tham gia bộ ảnh vẽ móng tay cứu tê giác này. Vì tôi đặc biệt thích những hoạt động cộng đồng có cách truyền tải thông điệp sáng tạo như thế. Không phải là những hành động to tát, đơn giản là vẽ móng tay thôi, vừa giúp đời sống tinh thần của nghệ sĩ thêm phong phú vừa truyền tải thông điệp gần gũi mà lại không hề khô khan. Hi vọng hoạt động ý nghĩa này sẽ được đông đảo các bạn trẻ hưởng ứng”.

 

 

Với gần 30.000 chữ ký cam kết mạnh mẽ không sử dụng sừng tê và tuyên truyền cho cộng đồng, chương trình đã lan tỏa thông điệp đến hàng triệu người. Từ mạng xã hội, vấn đề Tê giác hiện nay đã được chú ý và bàn luận nhiều hơn, không chỉ dừng lại ở các câu chuyện của một số ít người Việt Nam. Những cam kết trên đóng góp không nhỏ cho các nỗ lực truyền thông nhằm tuyên truyền rộng rãi thông điệp của chiến dịch, ngăn chặn hành vi buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam, giúp tăng thêm hy vọng sống sót cho loài vật to lớn nhưng hiền lành và có giá trị rất cao đối với đa dạng sinh học thế giới này. Bà Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc Trung tâm Change chia sẻ “Tôi có thể nhận thấy tác động rõ rệt của chương trình, khi có nhiều người dân và nhà báo đã rất quan tâm tới vụ con tê giác ở Thảo Cầm Viên có chiếc sừng bị mài đáng ngờ. Tuy chưa có cơ quan chức năng nào xác nhận thông tin này, việc người dân đưa ra các câu hỏi và chia sẻ trên mạng xã hội đã cho chúng tôi một hy vọng, vì khi có rất nhiều người cùng lên tiếng, thì sẽ tạo ra một sức ép xã hội lên chính những người tiêu thụ sừng tê, cũng như thúc đẩy các cơ quan thực thi pháp luật hoạt động hiệu quả hơn trong việc kiểm soát buôn bán tiêu thụ các sản phẩm trái phép này”.