Cuối tháng 6 vừa qua, UBND huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) thông báo không tiếp tục gia hạn hợp đồng với hàng trăm lao động đang làm việc tại các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, trường học thuộc UBND huyện quản lý, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Đáng chú ý, trong đó có 376 người công tác trong các trường trên địa bàn huyện. Số cán bộ này gồm giáo viên, nhân viên các khối mầm non, tiểu học, THCS. Toàn bộ số lao động này sẽ bị chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 30/6.
Từ khi UBND huyện ra thông báo không ký lại hợp đồng lao động, tâm lý của giáo viên vô cùng hoang mang, cuộc sống đảo lộn. Theo trình bày của nhiều giáo viên, phần lớn họ đều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương rất lâu, có người thâm niên giảng dạy hàng chục năm. “Nhiều giáo viên có tuổi, tìm việc làm khác không dễ”, một cô giáo nói.
Giáo viên huyện Vĩnh Lộc tập trung phản đối việc bị UBND huyện và các cơ quan chủ quản không tái ký hợp đồng lao động. Ảnh: Lê Hoàng.
Đặc biệt, có trường hợp cả vợ chồng cùng làm giáo viên hợp đồng. Điển hình như anh Trịnh Hồng Thước (47 tuổi, giáo viên Thể dục, trường THCS Vĩnh Phúc) và vợ là giáo viên hợp đồng lâu năm. Cùng lúc cả hai bị mất việc khiến anh chị rất lo lắng.
“Lãnh đạo huyện khuyên chúng tôi nên chọn nghề khác, nhưng các giáo viên giờ đã có tuổi, rất khó cho việc chọn nghề. Đi làm công nhân thì không ai nhận vì không nhanh nhẹn như các bạn trẻ, ở nhà làm ruộng thì không có đất để làm”, anh Dũng, giáo viên môn Toán nói.
Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc Nguyễn Văn Tâm cho hay, việc UBND không ký tiếp hợp đồng lao động là đúng theo chủ trương của nhà nước về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Chúng tôi đang lên phương án để xây dựng kế hoạch, cơ chế hỗ trợ cho người lao động trong thời gian tìm công việc mới theo đúng quy định của pháp luật lao động”, ông Tâm nói.
Trước phản ứng dữ dội của những người mất việc, ngày 7/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn hỏa tốc nhằm giải quyết tình trạng dôi dư giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hành chính các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và các ngành, đơn vị liên quan, đánh giá thực trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hành chính (gồm cả biên chế và lao động hợp đồng) với từng cấp học. Sau khi đánh giá thực trạng, cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân từng đơn vị, địa phương có liên quan đến tuyển dụng và hợp đồng lao động trái quy định.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên dôi dư theo lộ trình từng năm, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành và đơn vị liên quan đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 10/7.
Theo Lê Hoàng (Vnexpress.net)