Thông tin từ cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, sau 1 tuần (1/7-7/7) thực hiện Thông tư 28/2024/TT-BCA, lực lược CSGT toàn quốc đã kiểm soát 26.961 trường hợp trên Ứng dụng định danh Quốc gia VneID.
Trong đó, lập biên bản 6.892 trường hợp; tạm giữ 2.000 Giấy phép lái xe (GPLX), đăng ký xe; tước 499 GPLX trên môi trường điện tử, tích hợp vào Ứng dụng định danh quốc gia VneID.
Sáu tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 2.136.205 trường hợp vi phạm TTATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy, phạt tiền 4.052 tỷ 241 triệu đồng tước 407.703 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 715.459 phương tiện các loại.
So với cùng kỳ năm 2023, xử lý tăng 450.688 trường hợp (+26,74%), tiền phạt tăng 800 tỷ 422 triệu đồng (+24,61%).
Trong đó, có 501.435 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 19,85% các hành vi vi phạm, trung bình mỗi ngày có 2.785 trường hợp người điều khiển vi phạm nồng độ cồn);
2.901 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,11% các hành vi vi phạm);
501.009 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép (chiếm 20,19% các hành vi vi phạm);
30.762 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 1,22% các hành vi vi phạm); 15.868 trường hợp chở quá vạch dấu mớn nước an toàn (0,63% các hành vi vi phạm);
1.398 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,06% các hành vi vi phạm);...
Theo đại diện cục CSGT, việc chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an đối với công tác đảm bảo TTATGT đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc kéo giảm tình hình TNGT.
Đơn cử như TNGT có nguyên nhân liên quan đến rượu, bia giảm 37,6% (320/851) số vụ, giảm 66,2% (357/539) số người chết, giảm 11,1% (60/539)
Đây là kết quả đáng ghi nhận của việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn với phương châm “không có vùng cấm, không ngoại lệ, không ngày nghỉ”.
Trong thời gian tới, đại diện cục CSGT cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng CSGT toàn quốc tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Trên đường bộ, tiếp tục xử lý vi phạm theo 5 nhóm chuyên đề: (1) “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”; (2) “Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm”; (3) “cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”; (4) “vi phạm tốc độ”; (5) “Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện”. Tập trung kiểm soát, xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn, để làm giảm tai nạn giao thông, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” trong Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục triển khai kế hoạch phòng, chống, đua xe trái phép; tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện,... Trên đường sắt: Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quy tắc giao thông tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; vi phạm các quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường sắt; nhân viên đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp, sử dụng rượu bia khi lên ban;... Trên đường thủy: Tập trung xử lý vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật, hoán cải, sửa chữa phương tiện; các vi phạm quy định về hoạt động của thuyền viên, người lái phương tiện, chủ phương tiện, phương tiện; vi phạm quy định về quản lý, khai thác cảng, bến thủy;... |