Đáp ứng nguyện vọng của toàn xã hội
Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách dành cho NCC với cách mạng, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của NCC, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tuy nhiên, ở một số bộ, ngành, địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách đối với NCC chưa được quan tâm đúng mức; còn chưa xử lý kịp thời một số tồn đọng đối với NCC, chưa kiến nghị kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các chính sách để giải quyết khó khăn của một bộ phận gia đình NCC với cách mạng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tặng quà gia đình chính sách tại Bắc Kạn.
Để đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách đối với NCC, đáp ứng nguyện vọng của NCC và toàn xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam xây dựng Chương trình phối hợp tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015 với các đối tượng: Liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, NCC giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong kháng chiến và thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng đã được ban hành. Trên cơ sở kết quả rà soát sẽ kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách cho đối tượng là NCC với cách mạng, khắc phục các sai sót tiêu cực; kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng đã được ban hành, trong đó đặc biệt quan tâm đến NCC thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, NCC sống cô đơn không nơi nương tựa, NCC và gia đình NCC ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Bên cạnh đó, kiến nghị việc biểu dương khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trong 2 năm 2014 -2015”. Theo tinh thần này, Bộ LĐ-TB&XH và Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã ký chương trình phối hợp về việc triển khai chỉ thị và tổ chức thí điểm tại nhiều địa phương, thành lập nhiều đoàn công tác kiểm tra cơ sở, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn cho 63 tỉnh, thành phố triển khai rà soát.
Tư vấn chăm sóc sức khoẻ miễn phí cho đối tượng chính sách NCC ảnh: Thanh Hải.
Hơn 2 triệu NCC nằm trong diện được rà soát
Theo kết quả tổng rà soát từ tháng 4/2014 đến nay, tổng số đối tượng được rà soát là 2.070.151 người. Trong đó, số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.928.108 người (chiếm tỷ lệ 95,75%); số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người (chiếm tỷ lệ 4,16%); số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người (0,09%). Số đối tượng hưởng sai chính sách ở nhiều dạng khác nhau, như: Thương binh từ trần không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ nhưng vẫn được giải quyết tuất liệt sĩ cho thân nhân; con liệt sĩ trên 18 tuổi không bị khuyết tật từ nhỏ, không tiếp tục đi học nhưng không cắt trợ cấp; liệt sĩ có thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng vẫn giải quyết chế độ thờ cúng…
Nói về Chương trình tổng rà soát, ông Lê Huy Toàn, thương binh 2/4 ở xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) chia sẻ, trong chiến tranh có rất nhiều người hoạt động cách mạng. Nhiều người may mắn trở về gia đình nhưng cũng có người mãi mãi nằm yên dưới lòng đất. Đợt rà soát này không chỉ xem xét lại chế độ với những người đã được hưởng chính sách, mà còn bổ sung thêm những trường hợp chưa được hưởng. Điều này đem niềm vui đến cho tất cả NCC với cách mạng bởi một lần nữa những NCC thực sự được tôn vinh, những trường hợp gian lận sẽ bị xử lý.
Phút thư giãn của các thương binh của Trung tâm điều dưỡng thương binh Lạng Giang (Bắc Giang) ảnh: Thanh Hải.
Chia sẻ về những kết quả ban đầu của Chương trình tổng rà soát, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Cuộc rà soát thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, nhân dân, đặc biệt đối với những NCC với cách mạng. Đây là chương trình có quy mô lớn nhất với sự tham gia mạnh mẽ của Bộ LĐ-TB&XH, MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, các bộ, ngành. Đây là việc làm mới, chưa có tiền lệ nên đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của các bộ, ban, ngành, đoàn thể liên quan. Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, giai đoạn 1 đã có được kết quả bước đầu rất quan trọng. Có thể khẳng định gần 96% NCC đã được hưởng đúng, hưởng đủ chính sách. Đồng thời, chúng ta cũng lượng hóa được những NCC chưa hưởng đủ, hoặc những đối tượng không thuộc diện NCC nhưng đã được hưởng chế độ trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, để thực hiện cuộc tổng rà soát này, Bộ LĐ – TB&XH phối hợp với Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam để huy động lực lượng toàn xã hội tham gia, đặc biệt là các tổ chức chính trị xã hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội cựu TNXP cùng tham gia thực hiện. Ban chỉ đạo rà soát đã phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các đoàn thể chính trị xã hội, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam rà soát đối tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Hội cựu TNXP rà soát đối tượng cựu TNXP; Hội Cựu chiến binh Việt Nam rà soát đối tượng thương, bệnh binh...
Công tác rà soát thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng không chỉ thể hiện trách nhiệm của xã hội đối với những người đã cống hiến cho đất nước, mà còn tạo thêm niềm tin của nhân dân về thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, cách phân công cụ thể cho từng tổ chức chính trị sẽ tạo thuận lợi cho việc tổng hợp, thực hiện chính sách đối với NCC. Đây là việc làm khó, tuy vậy, với sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội và cả các cấp, Chương trình rà soát sẽ thành công, bởi tất cả các đối tượng đều ở trong nhân dân. Cuộc rà soát huy động được sự tham gia của người dân thông qua đoàn thể của mình, mức độ chính xác sẽ tốt hơn. |