Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Gắn dạy nghề, giải quyết việc làm với giảm nghèo bền vững

Những năm gần đây, An Giang luôn nỗ lực đẩy mạnh công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, để tạo động lực cơ bản cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.

 

Tỉnh An Giang hiện có khoảng 2,2 triệu người, với trên 460.000 hộ, có hơn 70% dân số sống bằng nghề nông ở vùng nông thôn. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 60%, hàng năm lại có thêm gần 30.000 người trưởng thành, bước vào tuổi lao động, đây là một nguồn lực lớn lao, đem lại cơ hội phát triển cho tỉnh nhà.

Tuy nhiên, việc nguồn lao động thiếu kỹ năng, chưa qua đào tạo nghề chiếm số đông cũng lại là một yếu điểm và bất lợi trong tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống cho lao động nông thôn hiện nay.

Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, những năm gần đây tỉnh An Giang đã tổ chức dạy nghề cho hơn 70.000 lao động, đạt chỉ tiêu 109%. Trong đó, số lao động sau đào tạo có việc làm là 45.000 người, nhiều lao động được doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp, gián tiếp qua nhiều hình thức như vào làm tại công ty, bao tiêu sản phẩm, tình nguyện tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả.

Qua đó góp phần rất quan trọng vào việc giải quyết vấn đề an ninh xã hội, tạo cơ hội cho nhiều lao động, chủ yếu là lao động vùng nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh nói chung lên trên 33% và phấn đấu đạt 35% trong năm 2015.

Nghề may công nghiệp thu hút nhiều lao động nữ ở nông thôn An Giang theo học. 

Lãnh đạo Sở LĐ – TB & XH tỉnh An Giang cho biết, nói chung những năm qua các địa phương, cũng như các cơ sở dạy nghề đã quan tâm chú trọng tới công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.

Đặc biệt đối với lao động nông thôn các cấp chính quyền phối hợp với các cơ sở dạy nghề chú trọng dạy những nghề thiết thực, phù hợp với điều kiện, trình độ nhận thức của người lao động, vì thế sau khi học nghề xong, nhiều lao động đã có cơ  hội tìm được việc làm ở các công ty, xí nghiệp hoặc tự tạo việc làm tại gia đình phù hợp với nghề đã học.

Đồng thời những năm qua, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phối hợp với các cơ sở dạy nghề để dạy nghề cho người lao động. Hình thức dạy nghề này bước  đầu cũng đã mang lại hiệu quả khá tốt, bởi sau khi học nghề doanh nghiệp sẽ nhận ít nhất từ 90% trở lên số lao động vào làm việc tại doanh nghiệp.

Hiện nay, để tạo diều kiện cho công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, các cấp, các ngành nói chung, ngành LĐ –TB & XH nói riêng đã và đang ưu tiên các hình thức học nghề linh hoạt, đào tạo ngắn hạn để người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, cánh cửa học nghề ngày càng mở rộng cho người lao động, khi cơ cấu dạy nghề phi nông nghiệp ngày càng tăng, tính đến năm 2015, đã có 70/85 nghề là phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện nay đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh An Giang đã và đang kêu gọi được nhiều doanh nghiệp, nhà máy công suất lớn với quy mô tuyển dụng lao động các ngành nghề từ 2000 – 10.000 lao động như may công nghiệp, xây dựng dân dụng... Có thể nói, tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đàng và Nhà nước trong việc hỗ trợ người lao động học nghề, giải quyết việc làm.

Đó là thực hiện chính sách tín dụng và miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng đặc thù trong thời gian học nghề ngắn hạn, hỗ trợ sinh hoạt ban đầu khi đi làm việc ngoài tỉnh, đối với số lao động thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số.

Để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ dạy nghề, giải quyết việc làm trong những năm tiếp theo, tỉnh An Giang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của xã hội và của người lao động về vai trò của đào tạo nghề đối với việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ thực hiện cơ chế đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị tuyển dụng lao động. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, huy động các cơ sở dạy nghề tư thục, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục mở rộng sự liên kết giữa các cơ sở, trường, trung tâm dạy nghề với nhau, hỗ trợ cho nhau về chuyên môn, trang thiết bị dạy nghề, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, phát triển nâng cao chất lương đội ngũ giáo viên dạy nghề, để đảm bảo công tác dạy nghề ngày càng được nâng cao về chất lượng dạy và học nghề trong thời gian tới, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.