Ảnh minh hoạ
2016, chi đầu tư công tiếp tục tăng
Thứ trưởng Tuấn giải thích, nguyên nhân bội chi vượt dự toán do lâu nay, các cơ quan quản lý chưa thống nhất được quan điểm về cơ cấu nguồn chi. Cụ thể, khi làm dự toán, có cơ quan không xem nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển chính thức (ODA) thuộc phần chi cho xây dựng cơ bản, nhưng thực tế ngân sách vẫn phải chi. Ông đưa ra ví dụ, dự toán chi xây dựng cơ bản 18 ngàn tỷ đồng, thực tế ngân sách giải ngân tới 50 ngàn tỷ đồng (trong đó có cả nguồn vốn ODA), nên bội chi vượt hơn 30 ngàn tỷ đồng.
Lý giải cho việc xây dựng dự toán thấp hơn thực tế do một số cơ quan muốn tăng tỷ trọng nguồn vốn ODA, Thứ trưởng Tuấn nói: “Riêng quan điểm của Bộ Tài chính, chi từ nguồn ODA cũng là chi ngân sách và cần được đưa vào dự toán chi xây dựng cơ bản. Hiện chúng tôi xây dựng dự toán ngân sách năm 2016 theo hướng này”. Ông Tuấn cũng chỉ ra, việc không được phép công bố xây dựng số liệu dự toán (theo Luật NSNN), nên thông tin ra ngoài chưa rõ.
“Khi Luật NSNN mới có hiệu lực (từ năm 2017), vấn đề này sẽ được công khai thay vì thông tin mật như luật hiện hành”, ông Tuấn nói. Vị này cũng tiết lộ, trong dự toán ngân sách cho năm 2016, chi đầu tư công sẽ tiếp tục tăng, nhưng sẽ có sự điều chỉnh cân đối các nguồn chi đúng thực tiễn. “Dự toán 2016, chi đầu tư công tăng lên khoảng 255 ngàn tỷ đồng, trong đó chi xây dựng cơ bản khoảng 95 ngàn tỷ đồng”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, trao đổi với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ông cho rằng, ODA là nguồn viện trợ, vay chủ yếu phục vụ cho phát triển an sinh xã hội, y tế, giáo dục. “ODA cũng có phần cho xây dựng cơ bản, nhưng không phải tất cả”, ông Doanh nói. Vị tiến sĩ này cho rằng, để giải quyết những vấn đề ngân sách hiện tại, quan trọng nhất là cơ cấu nguồn chi, đặc biệt chi thường xuyên.
“Cần cắt giảm các khoản chi thường xuyên không cần thiết, lãng phí. Tôi đi máy bay với các chủ nợ ODA, họ ngồi hạng phổ thông, trong khi quan chức mình toàn đi hạng thương gia. Hay về các địa phương, mỗi tối có nhiều cuộc ăn uống của lãnh đạo tỉnh. Tất cả đều về quyết toán ngân sách. Đây là sự lãng phí vô cùng lớn đối với tiền ngân sách”, TS Doanh nhìn nhận.
Ngân sách các năm tới sẽ giảm phụ thuộc vào dầu thô (Trong ảnh: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Quảng Ngãi). Ảnh: Đức Huy.
Nợ công sẽ lên 62,3% GDP
Liên quan thông tin phương án phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ công, Thứ trưởng Tuấn nhận định: “Đây là điều cần thiết, nhưng đang bàn với Ngân hàng Nhà nước đảm bảo mối quan hệ tiền tệ trong mục tiêu quyền lợi quốc gia. 3 tỷ USD là mức trần cho lộ trình năm 2015-2016, không phải làm ngay”.
Khi được hỏi liệu Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại các doanh nghiệp là do áp lực trả nợ công, ông Tuấn bác bỏ và nói: SCIC thoái vốn theo Luật Quản lý vốn nhà nước. “Nhà nước chỉ giữ vốn trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, công ích, độc quyền nhà nước phải nắm giữ như các quốc gia khác. 10 doanh nghiệp mà SCIC thoái vốn là các đơn vị không nằm trong đối tượng cần vốn nhà nước, nên thoái. Song thoái vốn cần có kế hoạch, lộ trình để đạt hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế, trong đó có NSNN”, ông Tuấn giải thích.
Giảm phụ thuộc vào dầu thô
Theo Thứ trưởng Tuấn, thu ngân sách năm 2015 vượt dự toán hơn 17 ngàn tỷ đồng do ngân sách địa phương thu vượt dự toán gần 48 ngàn tỷ đồng, nên đã bù hụt thu 31 ngàn tỷ đồng của ngân sách trung ương.
Nguyên nhân ngân sách trung ương hụt thu, theo ông Tuấn là giá dầu giảm mạnh so với lúc lập dự toán (dự toán 100 USD/thùng, thực tế còn khoảng 54-55 USD/thùng). Một nguyên nhân nữa được lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ ra là, Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương có hiệu lực, nên thuế nhập khẩu về 0%, ảnh hưởng đến nguồn thu thuế xuất nhập khẩu.
“Bộ Tài chính xây dựng dự toán ngân sách cho năm 2016 với giá dầu thô chỉ ở mức 60 USD/thùng. Nếu giá dầu duy trì ở mức quanh 55 USD/thùng như hiện tại, hụt vài nghìn tỷ đồng có thể xoay xở được”, ông Tuấn nhận định. Song vị này cho rằng, sắp tới sẽ cơ cấu lại nguồn thu để không còn phụ thuộc vào giá dầu thô.
Thứ trưởng Tuấn dẫn chứng: Năm 2015, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh nhất (hơn 18%) đạt khoảng 55 ngàn tỷ đồng. Trong khi thu dầu thô khoảng hơn 60 ngàn tỷ đồng. “Năm 2016, thu từ thuế thu nhập cá nhân sẽ vượt thu từ dầu thô”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, ông Tuấn khẳng định nguồn thu để bù hụt thu từ dầu thô, thuế kể trên là có cơ sở thực tiễn. Cụ thể, trong khoản nợ đọng thuế 76 ngàn tỷ đồng, có khoản nợ khó thu do kinh tế khó khăn kéo dài, nhưng có khoản doanh nghiệp có khả năng nộp, nhưng chây ì không chịu nộp lên tới 34 ngàn tỷ đồng.
“Chỉ cần cơ quan thuế thu được 50% số nợ thuế chậm nộp, ngân sách có thêm 17 ngàn tỷ đồng”, ông Tuấn nhận định. Kết quả thanh tra, kiểm tra thuế 9 tháng đầu năm cho thấy, cơ quan thuế đã lập biên bản phạt khoảng 8 nghìn tỷ đồng và đã thu được 5 nghìn tỷ đồng.
“Nợ công năm 2016 sẽ tăng lên mức 62,3% GDP. Con số này chưa vượt ngưỡng an toàn (65%), nhưng đã là cao. Kế hoạch ngân sách 5 năm tới không để nợ công vượt quá 65%. Mốc này sẽ vẫn an toàn với 2 điều kiện: Nền kinh tế tăng trưởng từ 3% trở lên và mức bội chi dưới 5%”. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn |