Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Gặp người phụ nữ đúc tượng kỷ lục Việt Nam

 
Nghệ nhân đúc đồng Mai Hoa.

Người phụ nữ bình dị có sức mạnh phi thường
 
Bà Phạm Thị Mai Hoa - Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội, người được gọi trìu mến bằng cái tên Hoa Chùa Đồng.
 
Sinh ra ở làng nghề đúc đồng Ý Yên, Nam Định, nhưng thời trẻ, Mai Hoa theo học lĩnh vực khác hoàn toàn với nghệ thuật là kinh tế và giao thông. Mãi đến lúc ngoài ba mươi tuổi, một biến cố lớn đã đưa Mai Hoa đến với nghề đúc tượng đồng như một mối duyên thiên định. Đang là một kế toán trưởng, sau một trận ốm nặng suốt nửa năm trời, gần như liệt nửa người, mắt mờ, Mai Hoa phải xin chuyển sang một công ty mỹ thuật ở Hà Nội (năm 1996). Năm 1999, công ty giải thể, Mai Hoa thành lập doanh nghiệp riêng mang tên Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Hà Nội. Như một cơ duyên, rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc về “đầu quân” cho Mai Hoa. Ban đầu, Công ty đi sâu vào điêu  khắc đá, Mai Hoa được phụ trách việc thi công tượng đài tại Sóc Sơn. Tiếp đó, được giao chỉ đạo tượng đài Đức Thánh Trần (Hải Dương), tượng đài Ngã 6 (Buôn Mê Thuột)…  
 
 
Mẫu tượng đài Quốc tổ Hùng Vương HV – 03.
 
Duyên đến với nghề đúc tượng đồng
 
Đến với nghề đúc đồng là khi ở Nam Định chuẩn bị đúc tượng 14 vị Hoàng đế đời Trần, bà Mai Hoa trở về làng quê tiếp cận, tìm hiểu toàn bộ hệ thống đúc đồng truyền thống của làng nghề và tập hợp nhiều họa sĩ điêu khắc cùng cộng tác.
 
Cùng với đội thi công của mình, bà Mai Hoa đã trực tiếp xây dựng nhiều tượng đài và công trình di tích văn hóa lịch sử, như tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung (Huế), tượng đài Khát vọng thống nhất (Quảng Trị), tượng đài Chiến thắng Khe Sanh (Quảng Trị), phục dựng lại khu A1 (Điện Biên), trưng bày các di tích, bảo tàng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Trị…
 
Nhận thi công chùa Đồng (Quảng Ninh) là một cơ duyên. Bà kể, thời điểm đó có hơn chục nhà đầu tư đã nhận thi công nhưng đều không đưa ra giải pháp an toàn. Bà Mai Hoa dũng cảm đứng ra xin nhận với kế hoạch thi công và giải pháp an toàn. Bà Hoa là người trực tiếp lên kế hoạch đúc tượng đồng và mạnh dạn đưa giải pháp công nghệ đúc liền khối đầu tiên của Việt Nam dựa trên kỹ thuật nấu đồng truyền thống từ 3 vùng miền: Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa. Sau 2 năm thi công (2004-2006) trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Chùa Đồng được làm hoàn toàn bằng đồng nguyên chất, được đặt trên đỉnh núi Yên Tử. Chùa Đồng đã được Tổ chức Kỷ lục Châu Á và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) ghi nhận là ngôi chùa đồng lớn nhất và nằm ở độ cao nhất cả nước (1.068m so với mặt nước biển). Đây cũng là ngôi chùa được xếp vào hàng độc đáo nhất trên thế giới, được ví như một “kỳ quan mới” tại khu danh thắng Yên Tử. 
 
 
Mẫu tượng đài Quốc tổ Hùng Vương HV – 01.
 
Tượng đài Quốc tổ Hùng vương
 
Hiện tỉnh Phú Thọ đang tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài Hùng Vương sẽ đặt tại khu di tích lịch sử đền Hùng. Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn ba phương án vào vòng hai và trưng bày lấy ý kiến nhân dân. Kết quả mẫu HV-01 của Công ty TNHH xây dựng Mỹ thuật Hà Nội đạt 9/9 phiếu (100%), phương án HV-03 của nhóm tác giả Phạm Xuân Khánh đạt 8/9 phiếu (88,9%). Hai mẫu tượng đài Hùng Vương sẽ được UBND tỉnh Phú Thọ trình Trung ương vào tuần tới nhằm lựa chọn phương án mẫu thiết kế tượng đài Hùng Vương.
 
Bà Mai Hoa là một trong số tác giả mẫu phác thảo tượng đài Quốc tổ Hùng Vương HV-01 cho biết, cụm tượng đài Quốc tổ Hùng Vương với hình tượng Quốc tổ đứng trên bệ vững chắc, gương mặt quắc thước, hiền từ, gần gũi trong tư thế đứng hiên ngang của vị vua khởi đầu dựng nước; tay phải giơ ngang ngực hướng về phía trước tạo sự giao lưu với công chúng như hình ảnh đón con cháu về; một tay đỡ những bông lúa thể hiện nền văn minh lúa nước, văn minh nông nghiệp. Trang phục của tượng Quốc tổ Hùng Vương được tham khảo từ các hoa văn trang trí chủ yếu từ trên đồ đồng thời Đông Sơn, được tiếp thu và vận dụng phù hợp với tư thế của tượng… Nhiệt huyết với những công việc “khó nhằn”, bà Mai Hoa chia sẻ, để thi công những công trình tâm linh, cần nhiều yếu tố, đầu tiên cần có tâm, và sau đó là biết sống vì mọi người.
 
Tượng đài Hùng Vương phải đáp ứng được yêu cầu bề thế, hoành tráng, sừng sững, là hình ảnh được đúc kết một cách cô đọng nhất, phản ánh trí tuệ, nhân cách và ý chí kiên cường của tổ tiên trong thời kỳ dựng nước.
 
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thành viên Hội đồng Nghệ thuật cho biết: Các mẫu phác thảo tượng đài Hùng Vương đều có thiện cảm, về tạo hình đều gửi gắm ý tưởng và tinh thần của nhân vật vào dáng đứng và đôi tay. Tuy nhiên, mẫu tượng HV- 01 có ưu điểm nổi trội hơn hẳn nên đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ phía hội đồng nghệ thuật.

Hồng Nga/Tạp chí GĐ&TE