Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Gặp nữ lái xe “xẻ dọc Trường Sơn” năm xưa

Xấp xỉ tuổi 80 nhưng trong ký ức của bà Bùi Thị Vân, thương binh (TB) 4/4, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 của đội nữ lái xe Trường Sơn, một thời ôm vô lăng vượt qua trọng điểm “mưa bom bão đạn” để chở TB về hậu phương vẫn rõ ràng, mạch lạc như những thước phim quay chậm, từng chi tiết nhỏ đều được ghi nhớ rõ ràng.

Nữ lái xe Trường Sơn Bùi Thị Vân. (Ảnh tư liệu).

Nữ lái xe Trường Sơn Bùi Thị Vân. (Ảnh tư liệu).

Tự hào được lái xe "xẻ dọc Trường Sơn"

Sớm mai, dưới tiết trời trong xanh những ngày đầu mùa hạ, hòa cùng dòng người đông đúc, tôi tìm về nhà bà tại phố Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Trước mắt tôi, người nữ lái xe từng "xẻ dọc Trường Sơn" một thời, giờ đây đã tóc bạc da mồi, nhưng ký ức về một thời “mưa bom bão đạn” vẫn vẹn nguyên.

Chỉ cho tôi xem những tấm ảnh năm xưa của bà cùng đồng đội được treo ngay ngắn trên tường, bà kể: Quê tôi ở Xuân Thủy, Nam Định. Năm 1965, mới tròn 16 nên phải khai tăng để đủ tuổi đi thanh niên xung phong (TNXP), với suy nghĩ không thể ngồi yên một chỗ khi chiến trường đang ác liệt.

Sau 3 năm đi TNXP chuyên san lấp hố bom, năm 1966, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1968, tôi tình nguyện chuyển sang bộ đội để tiếp tục được cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Trên đường hành quân đến Quảng Bình, đúng lúc Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ TNXP khỏe mạnh, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu. Bởi lúc đó, trên tuyến đường Trường Sơn, đế quốc Mỹ huy động lực lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm, nhằm ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Do vậy, nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam càng trở nên cấp bách trong khi lái xe nam không đủ. Tôi may mắn được Binh trạm 12 tuyển chọn, đồng thời cũng đúng với nguyện vọng mong muốn của tôi khi ấy.

Ngày 18/12/1968, Trung đội nữ lái xe mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh ra đời tại vùng rừng núi của xã Hưng Phổ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), gồm 40 cô gái đều ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi. Lúc ấy tôi rất vui, dù học cực lắm. Nhưng trên hết vẫn là sự vinh dự và tự hào vì được trở thành một trong 40 thành viên của Trung đội nữ lái xe duy nhất trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Khi học lái xe không có trường lớp, binh trạm cử một số nam giới có tay lái cứng để dạy ở rừng cà phê. Do người gầy và nhỏ, tôi phải đệm một cái chăn dưới ghế cho đủ độ cao, lại chèn một cái can 20 lít sau lưng để có thể đẩy người phù hợp với độ cao vô lăng, nếu không cẩn thận sẽ bị vô lăng văng vào mặt. Thời gian học tất cả 45 ngày, sau đó cứ hai người một xe, ai tay lái cứng thì chỉ cần một người. Khi ấy, do tay lái cứng nên tôi thường lái một mình, thi thoảng mới có thêm đồng đội lái cùng. Là đảng viên, lại có dáng vóc nhanh nhẹn nên tôi được giao trọng trách Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 của đội nữ lái xe và được giao phụ trách 5 xe, đó là dòng xe Gaz 51 và Gaz 69.

Nữ lái xe Trường Sơn Bùi Thị Vân bên chiếc xe tập lái. (Ảnh tư liệu).

Nữ lái xe Trường Sơn Bùi Thị Vân bên chiếc xe tập lái. (Ảnh tư liệu).

Chúng tôi đều từng được “truy điệu sống”

Chia sẻ về câu chuyện lái xe một thời, bà Vân kể: Nhiệm vụ của bà và đồng đội ngày ấy là chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh (Nghệ An) vào đến bờ bắc sông Gianh (Quảng Bình), chở TB từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập. Đường Trường Sơn rất ác liệt, ngày nào B52 cũng đánh bom, rải thảm, bom tọa độ. Nhưng những chuyến xe không được chần chừ, ngày cũng như đêm đều phải vượt qua lưới lửa từng phút, từng giờ.

Để tránh tổn thất, Ban chỉ huy yêu cầu Trung đội lái xe nữ chuyển sang chạy xe ban đêm từ 5 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Đề phòng đối phương phát hiện, những chiếc xe tải ngụy trang cây lá, chạy trong bóng đêm dày đặc mà không được rọi đèn. Mỗi chiếc xe chỉ được đốt một ngọn đèn nhỏ tù mù gắn ở phía trước gầm xe. Những chiếc đèn gầm, đèn rùa được bọc lại bằng giẻ để có thể chiếu được vài ba mét, mà hôm nào trời sáng trăng là thích lắm vì nhìn đường rõ hơn.

“Tôi vừa điều khiển xe vừa phải dò đường tránh bom, né đạn, tránh vực, vượt ngầm… bằng cảm tính. Bom thả phía sau thì xe tôi chạy về phía trước, thả phía trước thì rẽ sang đường khác, cứ thế thoắt ẩn, thoắt hiện giữa núi rừng, vượt 200 - 300km đưa hàng vào chiến trường rồi đón những đồng đội bị thương quay trở về hậu cứ. Những cung đường với địa danh được đánh giá là trọng điểm của trọng điểm, là những “túi bom” của chiến trường, nơi địch công phá ác liệt, quần thảo ném bom cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi men theo sườn núi bên Tây Trường Sơn để đi, đường lầy lội, nhiều đoạn cua, dốc và xóc, một bên là vực sâu thăm thẳm. Có đoạn đường chỉ vừa cho chiếc xe lăn bánh, người lái phải căn đường rất chuẩn, nếu không cả người lẫn xe có thể rơi xuống vực hoặc nổ tung, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Do vậy, trước những chuyến đi, chúng tôi được đơn vị làm lễ “truy điệu sống””, bà Vân nhớ lại trong sự xúc động.

Bà Vân xem lại những tấm ảnh một thời lái xe “xẻ dọc Trường Sơn”.

Bà Vân xem lại những tấm ảnh một thời lái xe “xẻ dọc Trường Sơn”.

Đời lính lái xe có nhiều kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm mà bà Vân không bao giờ quên, đó là một lần trong lúc lái xe chở 20 TB nặng, trên đường đi gặp máy bay giặc thả bom dữ dội cả phía trước lẫn phía sau, khiến xe tiến không được mà lùi cũng không xong. Nhưng với bản chất nhanh nhẹn và sự mưu trí, bà Vân cho dừng xe rồi cùng công binh trực ở gần đó cõng TB vào hầm trú ẩn, chờ ngớt bom lại chạy tiếp.

“Các anh ấy vỗ vào thùng xe ầm ầm, kêu tôi chạy trước, còn các anh bị thương rồi thì hy sinh cũng được. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ họ đã mất một phần máu xương nơi chiến trường rồi, mình không đảm bảo được an toàn cho cả người và xe thì có tội nên phải bằng mọi cách để giữ an toàn”, bà Vân kể lại trong niềm vui.

Câu chuyện của bà cuốn hút tôi như đang được xem chính những thước phim. Bỗng chốc giọng bà chùng xuống, đưa tay lên chấm nơi khóe mắt, bà kể: Nhiều lần chở TB bị thương rất nặng, có anh cụt cả tay, chân, đau đớn thể xác, trên xe các anh kêu la, tôi nghe như bị xát muối vào lòng. Để đỡ đau, tôi phải dìu anh xuống cabin ngồi cùng cho đỡ xóc.

Là lái xe nhưng tôi còn làm thay công việc của một y tá, trên đường đi phải lau rửa vết thương, động viên tinh thần, cõng TB nặng lên xuống xe, kể cả làm vệ sinh cá nhân cho các anh. Rồi lại làm “ca sĩ bất đắc dĩ” để cất lên tiếng hát xoa dịu những cơn đau cho TB trên mỗi cung đường…

Thời đó, với sức dẻo dai của thanh niên nên tôi không biết mệt và đã quen với những giấc ngủ vội dưới gầm xe, kê dép để gối đầu…Vượt lên trên tất cả những khó khăn, gian khổ, tôi cùng đồng đội vẫn dũng cảm, mưu trí tự tin điều khiển những chiếc xe “khổng lồ” một cách an toàn và xuất sắc.

Giấy phép lái xe của bà Bùi Thị Vân.

Giấy phép lái xe của bà Bùi Thị Vân.

Empty

Hạnh phúc vì tìm được mái ấm gia đình trong “mưa bom bão đạn”

Kể về câu chuyện tình yêu của mình trong thời “mưa bom bão đạn”, người nữ lái xe năm xưa nở nụ cười hạnh phúc: Sau lần đưa TB Nguyễn Trần Đừng, quê Thanh Trì, Hà Nội cũng là lái xe Trường Sơn về nơi an dưỡng, tôi liên tục nhận được thư anh. Sau này khi đã khỏi, anh còn nhiều lần đạp xe mấy chục cây số đến đơn vị thăm tôi. Cảm động trước tấm chân tình ấy nên tôi đã nhận lời xây dựng gia đình với anh.

Đầu năm 1972, Trung đội nữ lái xe Trường Sơn được điều về Trường đào tạo lái xe D255, thuộc Cục quản lý xe máy. Bà Vân cùng các đồng đội trở thành giáo viên đào tạo cho 2 khóa học viên gồm 300 lái xe nữ.

Trong thời gian công tác, nhiều năm liền bà Vân là Chiến sĩ thi đua, với nhiều bằng khen, giấy khen, luôn giành giải trong các cuộc thi Đầu xe Hồng Gấm, Tay lái 8/3… của trung đội. Đặc biệt, bà còn là một trong những tay lái rất cừ, luôn đạt chỉ số km an toàn cao nhất đội trong các đợt thi đua. Năm 1973, bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bà Bùi Thị Vân với những ký ức về một thời “xẻ dọc Trường Sơn”.

Bà Bùi Thị Vân với những ký ức về một thời “xẻ dọc Trường Sơn”.

Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai người lính - hai TB 4/4 trở về quê hương xây dựng cuộc sống mới. Bản thân bà Vân cũng là TB vì trong những lần đi san lấp hố bom, bà đã bị những mảnh bom văng vào chân, vào người. “Được sống quây quần bên các con và 11 cháu nội, ngoại là tôi thấy mãn nguyện. Thành tích của những năm tháng lái xe Trường Sơn với tôi, không chỉ được phục vụ chiến trường mà còn tìm được mái ấm gia đình hạnh phúc”, bà tự hào nói.

Câu chuyện giữa bà Vân với tôi trải qua nhiều cung bậc, quá khứ và hiện tại luôn đan xen. Tiếp nối câu chuyện, giọng đượm buồn, bà cho hay:  Trung đội nữ lái xe Trường Sơn là đội nữ duy nhất trong hai cuộc kháng chiến. Một điều đi vào huyền thoại là không một ai bị hy sinh trong chiến trường. Tuy nhiên, khi trở về với thời bình, có lẽ do ảnh hưởng của nghề nghiệp nên nhiều chị em đã chịu thiệt thòi. Có chị làm mẹ không được làm vợ, làm vợ không được làm mẹ, thậm chí có chị bây giờ vẫn đơn thân và không ít chị còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hàng năm đến ngày truyền thống 18/12, đội nữ lái xe Trường Sơn năm xưa vẫn gặp mặt nhau ôn lại chuyện cũ và luôn ghi nhớ lời dặn của Đại đội trưởng Phùng Thị Viên trước lúc đi xa: “Chị em chúng mình đừng bao giờ quên nhau…”. 

Tôi tạm biệt bà khi đã quá trưa, hòa cùng dòng người trên phố và miên man với câu chuyện kể của nữ lái xe một thời “xẻ dọc Trường Sơn”…