Theo đó, 81 ca mắc mới là công nhân Công ty TNHH Gỗ Kỹ nghệ WANEK 2 (phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một), ở khu vực phong tỏa của Công ty. Các ca bệnh này cư trú ở 19 khu nhà trọ tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một; phường Phú Chánh và Vĩnh Tân của TX.Tân Uyên; phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát. Liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Công ty Wanek đến nay đã ghi nhận 99 trường hợp mắc Covid-19.
Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 407 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng (24 trường hợp được phát hiện khi đến khám tại các cơ sở y tế, 195 trường hợp phát hiện trong các khu cách ly tập trung và 188 trường hợp phát hiện trong các khu phong tỏa). Dịch bệnh đã xuất hiện ở 32 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.
Tổng số bệnh nhân trong đợt dịch này là 409 (gồm 407 trường hợp trong cộng đồng, 01 chuyên gia nước ngoài, 01 ca tái dương tính sau khi hoàn thành điều trị tại Khánh Hòa). Có 04 bệnh nhân đã hồi phục. Số bệnh nhân đang còn điều trị 405 bệnh nhân. Có 03 bệnh nhân tiên lượng nặng phải thở máy, 03 bệnh nhân thở oxy.
Toàn tỉnh có 34 cơ sở cách ly tập trung (trong đó có 04 cơ sở cách ly là khách sạn cho chuyên gia nước ngoài) trải đều ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố với năng lực cách ly tập trung hiện có là 10.000 giường sẵn sàng tiếp nhận cách ly ngay, sẽ mở rộng từ 20.000 – 30.000 giường. Tổng số trường hợp hiện đang còn cách ly y tế tập trung là 4.385 trường hợp và 10.876 trường hợp đang cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú.
Ngành Y tế nhận định, ca bệnh đã xâm nhập vào nhiều công ty, lây lan ra các khu nhà trọ công nhân, và lây sang các công ty khác, do đó rất khó kiểm soát và có thể ca bệnh tăng cao trong thời gian tới nếu không ngăn chặn kịp thời. Trước diễn biến phức tạp của tỉnh hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị tỉnh Bình Dương thực hiện một số giải pháp để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, đề nghị Bình Dương thành lập 100 tổ, đoàn (3-4 người/tổ/đoàn) triển khai hướng dẫn, kiểm tra đánh giá công tác phòng, chống dịch cho các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn ngoài khu công nghiệp. Thí điểm cho doanh nghiệp tự triển khai xét nghiệm nhanh Covid-19 cho công nhân và giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn thí điểm cho các doanh nghiệp.
Xem xét bắt buộc hoặc khuyến khích các doanh nghiệp tự trả chi phí mua xét nghiệm nhanh và xét nghiệm cho người lao động 1 lần/tuần trong thời gian có dịch. Chỉ đạo việc thành lập Tổ an toàn Covid-19 trong các doanh nghiệp. Mỗi phân xưởng/tổ/bộ phận sản xuất phải có 1 Tổ an toàn Covid-19 hàng ngày đi kiểm tra, giám sát thực hiện 5K trong phân xưởng.
Theo nhận định của ngành Y tế, số ca mắc Covid-19 hiện nay trên địa bàn tỉnh tăng rất nhanh, chuyển qua cấp độ 5 (> 300 ca). Trước nguy cơ bùng phát dịch diện rộng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành công văn đề nghị Bộ Y tế và Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh xem xét, khẩn trương chi viện cho Bình Dương trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ Y tế xem xét cử chuyên gia về điều tra dịch tễ, truy vết và xử lý dịch; chi viện lực lượng cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ, điều dưỡng điều trị bệnh nhân Covid-19; hỗ trợ xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19, các phương tiện phòng hộ khác như: khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay, nước sát khuẩn.... Đồng thời đề nghị Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh xem xét cử chuyên gia về điều tra dịch tễ, truy vết và xử lý dịch; hỗ trợ công tác lấy mẫu và xét nghiệm RT-PCR Covid-19.