Báo cáo về thị trường bất động sản (BĐS) của Bộ Xây dựng trong quý III nhận định, tại Hà Nội và TPHCM, giá căn hộ chung cư ở cả dự án mới và cũ tiếp tục tăng.
Trên thị trường, phân khúc căn hộ chung cư bình dân có mức giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 nhưng thực tế không có nhiều sản phẩm loại này rao bán. Căn hộ chung cư ở phân khúc trung cấp (khoảng 25 đến dưới 50 triệu đồng/m2) vẫn được giao dịch nhiều, nguồn cung trên thị trường tương đối lớn. Phần còn lại là căn hộ chung cư cao cấp trên 50 triệu đồng/m2.
Cụ thể, giá chung cư tại một số dự án ở Hà Nội có giá căn hộ tăng như: Vinhomes Ocean Park tại phân khu The Zurich có giá 46 - 55 triệu đồng/m2; Lumi Prestige (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) 69 triệu đồng/m2 trở lên; The Ninety Complex (Đống Đa) 60 - 75 triệu đồng/m2...
Tại TPHCM, dự án Diamond Century có giá 61 - 73,3 triệu đồng/m2 (quận Tân Phú); Stown Tham Lương 29,8 - 43,5 triệu đồng/m2 (quận 12)...
Bộ Xây dựng đánh giá, giá bán BĐS tăng một phần do cơ quan chức năng áp dụng phương pháp tính giá mới và đưa ra bảng giá đất mới; chi phí liên quan đất đai gần đây cũng tăng.
Một số địa phương thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đã có kết quả bất ngờ khi có nhà đầu tư trúng với giá cao gấp nhiều lần khởi điểm. Việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương chưa tốt, để xảy ra hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá, trả giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi sẵn sàng bỏ cọc.
Sau những vụ “lũng đoạn” đấu giá này, mặt bằng giá đất lân cận cũng bị đẩy tăng theo. Thực tế này đồng thời làm tăng chi phí triển khai thực hiện dự án nhà ở, gây khó cho doanh nghiệp, giảm nguồn cung cho thị trường, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS.
"Giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới BĐS lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân, tạo giá “ảo”, “thổi giá” chủ yếu nhằm trục lợi", Bộ Xây dựng đánh giá.
Ngoài ra, biến động của nền kinh tế liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng... đã tác động đến tâm lý của người dân, nhà đầu tư, khiến người dân, nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch dòng tiền sang đầu tư nhà, đất để tiền được “trú ẩn” ở nơi an toàn hơn.
Trong khi đó, nguồn cung BĐS cho người thu nhập thấp hiện rất thiếu. Các địa phương đã quy hoạch 9.757ha đất làm nhà ở xã hội (NƠXH), 622 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô 565.177 căn (hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án; đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 412 dự án).
Đến nay, mới có 83 dự án tại 63 tỉnh, thành phố đủ điều kiện vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, 15 dự án được cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và 6 dự án đang được thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.
Người mua nhà tại 32/83 dự án NƠXH đã được vay vốn theo chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng dư nợ 2.099 tỷ đồng với 5.236 khách hàng, trong đó dư nợ phát sinh chủ yếu tại Ngân hàng Chính sách xã hội (2.019 tỷ đồng) do lãi suất cho vay ưu đãi hơn.
Báo cáo của Bộ Xây dựng nhận định, cơ chế, chính sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án NƠXH chưa đủ hấp dẫn. Nguồn vốn đầu tư xây dựng NƠXH từ ngân sách còn hạn chế. Thủ tục mua, thuê mua, thuê NƠXH còn phức tạp, nhất là việc xác nhận các giấy tờ chứng minh về điều kiện nhà ở, thu nhập và cư trú.
Về chính sách hỗ trợ nhà ở mục tiêu, các địa phương đã hỗ trợ 19.468 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, đạt khoảng 62,6% so với kế hoạch năm 2024; bố trí ổn định cho khoảng 21.000 hộ thuộc vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng; hỗ trợ được hơn 18.204 căn nhà cho các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Lê Thắng
Báo Lao động và Xã hội số 135