Anh bảo, lúc đầu anh đặt vấn đề năm chai, tức năm triệu đồng, nhưng anh nhân viên của đơn vị kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa kia không chấp nhận, nói rằng còn phải trình sếp, chia năm xẻ bảy. Sau một hồi “cò kè” thì chốt ở con số mười một chai. Những lần làm giá như thế này, anh phải trực tiếp thực hiện vì đã quen - thân cũng như biết mặt bằng chung. Anh còn bảo, anh đề nghị chuyển tiền vào tài khoản để nhân viên anh đỡ phải đi lại nhưng bên kia không chịu.
Anh cũng nói thẳng tên của đơn vị kiểm nghiệm, một cái tên không xa lạ gì với những người làm trong ngành. Anh nói, mấy cơ quan kiểm nghiệm độc quyền như dạng này thì giá cao cũng phải chịu, vì đâu có sự lựa chọn. Giá theo giấy tờ (tức có hóa đơn) thì thấp hơn hẳn các trung tâm đã tư nhân hóa nhưng giá cuối cùng thì cao hơn nhiều. “Mấy ông tư nhân giá cao nhưng tất cả chỉ có vậy. Cũng muốn làm với những cơ quan này lắm nhưng khổ nỗi ít quá, chỉ một số mảng, một số mặt hàng nên cứ phải cắn răng chịu”, anh nói.
Anh cũng kể, mỗi lần mang hàng đi kiểm nghiệm, thể nào anh cũng sẽ nhận được những cú điện thoại của người quen. “A lô, anh K. hả? Lô hàng này không đạt chỉ tiêu số 7. Anh tính sao?”, anh K. mô tả bằng điệu bộ mặt hếch lên trời và giọng nói đầy hăm dọa. Tất nhiên, sau những cuộc điện thoại như thế thì anh phải tính, phải lo ngay. Bởi, việc bị chậm có kết quả để thông quan hàng hóa một ngày thì tiền lưu kho lưu bãi sẽ tăng lên. Giá dưới sáu ngày sẽ khoảng 500.000 đồng/container nhưng trên sáu ngày sẽ là 800.000 đồng/container, tức tăng lũy kế. Anh lo và phải chấp nhận không được quan tâm đến chứng nhận đạt chuẩn mà nước xuất khẩu cấp, vì có cãi cọ cũng bằng thừa, đời đã thế!
Đó là chưa nói đến việc phải biết điều để kết quả ra sớm, không bị “ngâm” hàng tuần hay hàng tháng vì càng ngâm càng chết tiền bến bãi. Và cũng tất nhiên, đây là chuyện của những mặt hàng vốn dĩ đạt chuẩn. Vậy còn hàng vớ vẩn thì sao? Anh K. bảo anh không biết con số vì không làm nhưng chắc chắn muốn là được!
Những quyền lợi, những lợi ích nhóm chính là lực cản khiến công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn cứ mãi ám ảnh doanh nghiệp khi không ai chịu từ bỏ.
Anh K. bảo, chuyện kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu bao nhiêu năm qua nó ám ảnh, khốn khổ như vậy và thậm chí bây giờ, khi đã có những điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung đặt ở một số cảng lớn thì mọi chuyện cũng chẳng khác đi. Tiền chi ra vẫn vậy và công đi lại, chờ đợi cũng y như cũ. Bởi lẽ, vài ba cái máy móc đơn giản cùng vài ba người của 6-7 cơ quan đặt chung tại một văn phòng rộng trên dưới 100 mét vuông ở cảng không thể cho ra kết quả kiểm nghiệm nào.
Đó là chưa nói, có mặt ở đó nhưng ai cũng đòi mang giấy tờ, hàng mẫu đến văn phòng chính ở nội thành. Thành ra, nhân viên cứ chạy miệt mài và những lúc bị làm khó thì anh K. lại phải “ra tay”, trực tiếp xuất hiện. Bởi vậy, anh cũng chả tin và cũng không hy vọng rằng, sau những chỉ đạo từ Chính phủ trong suốt thời gian vừa qua, công tác kiểm tra chuyên ngành sẽ tốt hơn. Vì một lẽ rất đơn giản là không ai kiểm soát, giám sát và cũng chẳng ai chịu mất đi quyền lợi (ngon ơ) của mình.
Doanh nghiệp tại các hội nghị tham vấn của ngành hải quan cũng như các nhà tài trợ nước ngoài thông qua các dự án nâng cao năng lực... khi được hỏi thì vẫn có ý kiến nhưng chỉ là phớt phớt bề mặt, đâu thể nói hết, nói thẳng.
Lại nhớ tiếng cười buồn của một lãnh đạo cấp phòng thuộc một cục hải quan phía Nam khi tôi hỏi về những thay đổi trong kiểm tra chuyên ngành. Anh này bảo, làm theo các yêu cầu từ cấp trên, đề xuất của ngành hải quan thì các cơ quan lấy gì để sống? Tất cả đều là đánh tráo khái niệm, hình thức mà thôi. Đó là lý do mà doanh nghiệp, hải quan kêu Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong vải thì Thông tư 32 ra sau đó lại khó hơn, tương tự như Thông tư liên tịch 58 về kiểm tra thép nhập khẩu sửa đổi cho Thông tư 44 trước đó cũng không hề dễ hơn... Anh này khẳng định, những quyền lợi, những lợi ích nhóm chính là lực cản khiến công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn cứ mãi ám ảnh doanh nghiệp khi không ai chịu từ bỏ.
Phó giám đốc của một cảng ở TPHồ Chí Minh đồng tình và nhận xét thêm, trong thời gian qua, hải quan rất cầu thị và thực sự có những cải cách, thay đổi nhưng “các bác” kiểm tra chuyên ngành thì không. Thành ra, 28% của hải quan đã biết chạy nhưng 72% còn lại thì đi bộ, nếu không muốn nói là đứng giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, hải quan thì không thể thúc vì quyền hạn chỉ ngang nhau.
Không lẽ, doanh nghiệp cứ phải chi thế này mãi? Chi như vậy, nói như anh K. trưởng phòng thì cuối cùng chỉ là người tiêu dùng (là anh, là tôi, là mọi người) phải chịu vì giá hàng hóa nhập khẩu bị đẩy cao. Còn với hàng xuất khẩu thì cũng chẳng còn đâu sức mạnh cạnh tranh dù trong TPP hay bất kỳ FTA nào. Thị trường hiện nay, hơn kém nhau vài đô la Mỹ đã khác!