Gia đình các nạn nhân hôm qua gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm rõ bốn vấn đề liên quan đến tai biến hồi tháng 5 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Các vấn đề gồm: nguyên nhân tai biến; trách nhiệm của ông Trương Quý Dương, giám đốc bệnh viện thời điểm đó và việc ông Dương đi du lịch nước ngoài trong một tháng qua; trách nhiệm của Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn - đơn vị cung ứng thiết bị chạy thận; trách nhiệm của công ty xử lý nước Trâm Anh - đơn vị xử lý hệ thống nước RO trước khi xảy ra tai biến.
Ông Phạm Ngọc Thạo, đại diện 8 gia đình, nói rằng lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hiện tỏ ra "không thành thật" với gia đình nạn nhân. Theo ông Thạo, ngày 8/11 các gia đình được giám đốc bệnh viện thông báo đã gửi văn bản đến Sở Tài chính, Sở Y tế Hòa Bình. Văn bản nêu bệnh viện không quyết toán được tiền đền bù nên sẽ đưa vụ việc ra tòa và đợi phán quyết của tòa án.
"Tuy nhiên Sở Tài chính trả lời chúng tôi là chưa nhận được báo cáo của bệnh viện. Ngoài ra, tiền đền bù là của bệnh viện không phải ngân sách nên Sở Tài chính không quản lý", ông Thạo nói.
Các y bác sĩ nỗ lực hồi sức cấp cứu cho một bệnh nhân trong vụ tai biến chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, hồi cuối tháng 5. Ảnh: Nam Phương.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, con gái một trong 8 nạn nhân tử vong, cho biết từ cuối tháng 9 các gia đình bắt đầu thỏa thuận với bệnh viện về mức đền bù bằng nhau là 250 triệu đồng một người chết, nhưng hai bên vẫn chưa đồng thuận.
Theo chị Tuyết, từ lúc xảy ra vụ việc đến nay, mỗi gia đình được nhận 10 triệu đồng để lo ma chay. Trong cuộc đàm phán tiền bồi thường gần đây, ông Lê Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình tạm thời kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, đề nghị "ứng" cho mỗi gia đình 50 triệu đồng, số còn lại khi có hóa đơn tài chính sẽ tiếp tục chi trả. Tuy nhiên, các gia đình từ chối vì cho rằng "chúng tôi không làm thuê cho bệnh viện mà phải ứng tiền trước".
Trao đổi với VnExpress sáng nay, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết muốn giải quyết vụ việc trên cơ sở tình cảm. Tuy nhiên sau 3 lần đàm phán mức đền bù cho các gia đình nạn nhân không có kết quả, bệnh viện sẽ nhờ tòa án giải quyết. Việc bồi thường sẽ theo kết luận của tòa án, dựa trên kết luận điều tra của công an.
Về việc bị 8 gia đình tố cáo "không thành thật", lãnh đạo bệnh viện cho biết đã gửi văn bản đến Sở Y tế Hòa Bình ngày 11/11. "Bệnh viện không rõ Sở Y tế đã gửi văn bản đến Sở Tài chính hay chưa", đại diện bệnh viện nói.
Bệnh viện Hòa Bình vẫn giữ quan điểm mức bồi thường cho các gia đình nạn nhân phải khác nhau do căn cứ từng trường hợp cụ thể; phụ thuộc vào bệnh nhân nặng hay nhẹ; bệnh nhân còn sức lao động hay người đang nuôi con nhỏ… Do đó bệnh viện không thể đền bù theo mức chung là 250 triệu đồng cho một nạn nhân như mong muốn của các gia đình. Mức đền bù cao nhất là 242 triệu đồng được bệnh viện đề nghị cho một gia đình nạn nhân có con nhỏ. Một người khác mất khi 46 tuổi, bệnh viện đề nghị đền cho gia đình 136 triệu đồng.
Vụ tai biến làm chết 8 người xảy ra ngày 29/5. Khi đó 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột có dấu hiệu nguy cấp. 8 người tử vong, 10 người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị và hiện sức khỏe đã hồi phục.
Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến các bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương bị cách chức từ ngày 9/8.
Theo Lê Nga (Vnexpress.net)