Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Gia đình thời đại số - Thách thức bởi công nghệ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Công nghệ số phát triển giúp mọi người dễ dàng kết nối với thế giới ảo, với những người ở phương xa nhưng mối liên kết gia đình truyền thống lại đối mặt với nguy cơ phai nhạt.

Áp lực từ công việc, học tập cùng với sự khác biệt về lối sống và tư duy giữa các thế hệ đã tạo nên những rào cản vô hình, khiến những cuộc trò chuyện ấm áp và giây phút quây quần bên nhau trở nên hiếm hoi.

Công nghệ đe dọa sự gắn kết gia đình

Gia đình thời đại số - Thách thức bởi công nghệ - 1
Việc lạm dụng các thiết bị công nghệ khiến mối quan hệ gia đình thời đại số bị đe dọa.

Chia sẻ về câu chuyện gia đình mình, bà Nguyễn Tú Oanh (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) kể: “Gia đình tôi có 3 thế hệ cùng chung sống. Tôi sống với gia đình con trai nhưng ban ngày người lớn đi làm, trẻ con đi học nên chỉ đến sau bữa tối, cả gia đình mới được quây quần bên nhau xem tivi, nói chuyện công việc, học hành, cuộc sống đã diễn ra trong ngày.

Trước đây, đó là quãng thời gian tôi cảm thấy hạnh phúc nhất, không khí gia đình luôn đầm ấm vui vẻ. Còn hiện nay, mọi thứ đã đổi thay và khác rất nhiều”. 

Giọng trầm buồn, bà Oanh cho biết, từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến, mỗi người đều sở hữu điện thoại thông minh để phục vụ cho công việc và học tập. Tối đến, sau bữa cơm, con và cháu bà ai cũng bận rộn… bấm bấm, lướt lướt. Đến đứa cháu mới học lớp 4 trước kia luôn gần gũi với ông, bà thì nay cũng hiếm khi nói chuyện.

Ngoài những lúc học bài, điện thoại là thứ thường trực trên tay cậu bé, thậm chí khi bà chủ động hỏi han thì bé cũng chỉ trả lời qua loa, còn mắt vẫn không rời điện thoại.

“Tôi ở nhà một mình cả ngày, mong đến tối để được trò chuyện, tâm sự với con cháu nhưng cứ ăn cơm xong là chúng nó “ôm” điện thoại về phòng riêng. Nhiều khi tôi cảm thấy rất buồn và cô đơn”, bà Oanh ngậm ngùi.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, trung bình cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, chiếm 30% tổng số cặp đôi. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 10 cặp đôi kết hôn thì có đến 3 cặp ly hôn.

Trong số các cặp ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi 18 - 30, 60% ly hôn sau 1 - 5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày.

Nguyên nhân của những đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình rất đa dạng, gồm: Thiếu sự tìm hiểu và chuẩn bị đầy đủ trước khi bước vào đời sống hôn nhân; thiếu khả năng đối thoại và giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hôn nhân; thiếu cam kết trong mối quan hệ; bất mãn và mâu thuẫn trong việc giáo dục con cái.

Đặc biệt, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do internet, mạng xã hội làm chi phối, biến đổi về tư tưởng, đạo đức, lối sống... làm đổi thay văn hóa ứng xử trong gia đình.

Cần nhiều hơn sự kết nối

Theo báo cáo của Digital Việt Nam 2024, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội. Tính đến đầu năm 2024, 78,44 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam và tỷ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%.

Tính riêng tháng 1/2024, Việt Nam có 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73,3% dân số… trong đó, 7% thuộc độ tuổi 13 - 17 và gần 10% là 18 - 24 tuổi.

Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, tại Việt Nam, 82% trẻ em 12 - 13 tuổi sử dụng internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%. Còn theo Bộ LĐ-TB&XH, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 5 - 7 giờ/ngày.

Ths Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) cho rằng, việc lệ thuộc vào công nghệ thái quá có thể khiến sự gắn kết của gia đình bị lung lay, thậm chí đứt gãy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Gia đình thời đại số dễ gặp các vấn đề làm rối loạn chức năng cần có của gia đình, đó là tổ ấm, là nơi trao đổi, giao tiếp và yêu thương, nơi mọi thành viên tìm được sự an toàn và niềm hạnh phúc. 

“Để vượt qua những cám dỗ và lệ thuộc vào công nghệ, cả cha mẹ và con cái cần duy trì kỷ luật và xây dựng văn hóa gia đình, cha mẹ luôn phải làm gương cho con cái.

Gia đình nên có thỏa thuận an toàn mạng giữa cha mẹ và con cái, để mỗi thành viên đều có quyền lợi và trách nhiệm trong việc đảm bảo sức khỏe, sử dụng internet vừa phải, lành mạnh để bảo vệ bản thân, gia đình. Ngoài ra, gia đình luôn cần dành thời gian chất lượng cho nhau - đây chính là món quà quý giá nhất”, Ths Nguyễn Phương Linh nói.

Còn PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, lối sống thực dụng và sự phát triển nhanh chóng của thời đại số đã đặt ra nhiều thách thức đối với văn hóa ứng xử gia đình ở Việt Nam.

Tuy nhiên, việc giáo dục con cái từ nhỏ về tầm quan trọng của gia đình sẽ giúp chúng hiểu rằng, gia đình là nền tảng vững chắc cho sự phát triển cá nhân. Cha mẹ nên kể về các câu chuyện gia đình, truyền đạt những giá trị truyền thống tốt đẹp để con cái hiểu và trân trọng.

Mỗi thành viên trong gia đình nên dành thời gian cho nhau, tạo ra những hoạt động chung như bữa cơm, du lịch, dã ngoại để tăng cường sự gắn kết; tạo môi trường mở, khuyến khích thành viên chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và ý kiến của mình.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần thiết lập quy định về thời gian sử dụng điện thoại, máy tính bảng, đặc biệt là trong các bữa ăn và thời gian sinh hoạt chung. 

“Các gia đình nên khuyến khích các thói quen tốt như đọc sách, tập thể dục, tham gia các hoạt động ngoài trời thay vì dành quá nhiều thời gian cho thiết bị điện tử; tạo môi trường gia đình vui vẻ, không căng thẳng, tránh những xung đột không cần thiết.

Ngoài ra, cha mẹ cần có định hướng sử dụng mạng xã hội bằng cách hướng dẫn con cái về cách sử dụng internet an toàn, nhận biết thông tin sai lệch và bảo vệ thông tin cá nhân, tận dụng các tài nguyên giáo dục, thông tin hữu ích trên mạng xã hội thay vì chỉ giải trí”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn khuyến cáo. 

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 3