Theo đó, khoảng tháng 4/2020, bà Trịnh Thị Miên (trú TP. Pleiku) gửi đơn đến UBND huyện Chư Pưh tố cáo ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le có hành vi cấu kết, bao che cho một nhóm người lập hợp đồng và chứng cứ giả nhằm hợp thức hóa bán đất của bà Trịnh Thị Miên cho Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Trường Thịnh (địa chỉ làng Ia Brel, xã Ia Le).
Vào cuộc, UBND huyện Chư Pưh kết luận, đầu năm 2017, sau khi khai thác cây bạch đàn trên diện tích 22,1ha của mình, bà Trịnh Thị Miên thỏa thuận với ông Phạm Quốc Toản (trú thôn 6, xã Ia Le) hợp tác đầu tư để trồng nghệ và điều. Theo thỏa thuận, ông Phạm Quốc Toản chịu trách nhiệm thuê nhân công và phương tiện dọn dẹp, san ủi đất, còn bà Trịnh Thị Miên đầu tư phân bón và cây giống.
Ngày 20/1/2019, ông Phạm Quốc Toản đã tự ý viết giấy hoàn trả 13ha đất của bà Trịnh Thị Miên cho ông Lê Trường Giang (trú huyện Chư Sê) quản lý và sử dụng. Ngay sau khi có giấy viết tay của ông Phạm Quốc Toản, để hợp thức hóa toàn bộ diện tích đất 22,1 ha do bà Trịnh Thị Miên nhằm chiếm đoạt, ngày 22/1/2019, ông Lê Trường Giang đến UBND xã Ia Le viết bản kê khai về nguồn gốc đất là do ông khai hoang từ năm 2013. Tiếp đó, trong các ngày 4 và 21/3/2019, dù chưa có bìa đỏ song ông Lê Trường Giang đã 2 lần làm thủ tục chuyển nhượng công khai phá, tài sản trên đất và quyền sử dụng đất cho Công ty Trường Thịnh với tổng diện tích là 14,6 ha với giá 1,06 tỷ đồng. Cả 2 lần làm chuyển nhượng trên, ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le đều đặt bút ký xác nhận.
Theo UBND huyện Chư Pưh, ông Lê Trường Giang chưa đủ điều kiện để thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng chứng thực không theo quy định của pháp luật nên hợp đồng chuyển nhượng khai phá, tài sản trên đất và toàn bộ quyền sử dụng, khai thác đất giữa ông Lê Trường Giang và Công ty Trường Thịnh là trái quy định của pháp luật. Việc ông Lê Thanh Việt ký xác nhận vào các hợp đồng chuyển nhượng đất của ông Giang là chưa đúng quy định, dẫn đến thiệt hại kinh tế cho bà Trịnh Thị Miên.