Theo khảo sát, trong tháng 8/2021, giá lợn hơi tiếp tục giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung phục hồi.
Cụ thể, cuối tháng 8/2021, giá lợn hơi toàn quốc dao động từ 50.000 - 56.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với tháng 7/2021, đây là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, hiện nhiều địa phương vẫn tiếp tục giãn cách xã hội, do đó thị trường đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới sẽ tiếp tục giảm.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao, càng làm cho người chăn nuôi gặp khó khăn.
Đáng chú ý, mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các siêu thị mini, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển.
Giá lợn hơi giảm, nguồn cung dồi dào, sao nhập khẩu thịt vẫn tăng?
Diễn biến thị trường thịt trong 7 tháng cho thấy, dù giá lợn hơi giảm, nguồn cung dồi dào nhưng nhập khẩu thịt vẫn tăng.
Mặc dù giá lợn sống giảm mạnh, giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các siêu thị mini, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2021, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đạt 64.850 tấn, trị giá 123,86 triệu USD, tăng 1,4% về lượng và tăng 15% về trị giá so với tháng 7/2020.
Lũy kế 7 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 444.490 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 874,57 triệu USD, tăng 20% về lượng và tăng 46,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, trong tháng 7/2021, thời điểm giá lợn hơi giảm sâu, nhập khẩu thịt gia cầm và thịt trâu của Việt Nam có xu hướng giảm, trong khi nhập khẩu thịt bò và thịt lợn vẫn tiếp tục tăng, nhưng có xu hướng tăng chậm lại so với các tháng trước.
Trong tháng 7/2021, Việt Nam nhập khẩu 14.570 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 34,13 triệu USD, tăng 11,2% về lượng và tăng 13,9% về trị giá so với tháng 7/2020, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.342 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 7/2020;
Lũy kế 7 tháng năm 2021, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 95.430 tấn, trị giá 221,26 triệu USD, tăng 112,8% về lượng và tăng 108% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá lợn hơi giảm, Trung Quốc cũng giảm nguồn cung lợn sống
Giá lợn hơi không chỉ giảm ở Việt Nam mà còn ghi nhận giảm sâu ở Trung Quốc. Sự biến động mạnh của nguồn cung và giá lợn tại Trung Quốc dự kiến sẽ dẫn tới sự phân bổ lại thương mại thịt lợn trên thị trường toàn cầu và có thể gây áp lực giảm giá thịt lợn tại các nước xuất khẩu trong các tháng tới.
Theo báo cáo về thị trường thịt lợn do Cơ quan Các dịch vụ nông nghiệp nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tại Trung Quốc, năm 2022, chăn nuôi lợn tại Trung Quốc dự báo giảm 5%.
Giá thấp và các ổ dịch tiếp tục phát sinh trong năm 2021 dẫn tới giết mổ tràn lan và trì hoãn đầu tư tái đàn.
Sản lượng thịt lợn năm 2022 của Trung Quốc dự báo giảm 14% do nguồn cung lợn sống trên thị trường giảm và các chính sách của chính phủ nhằm hạn chế biến động giá càng làm giảm động lực mở rộng chăn nuôi.
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng lên 5,1 triệu tấn do nhu cầu tiêu dùng thịt lợn nội địa vượt sản xuất trong nước.
Được biết, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất của Việt Nam.
7 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 10.990 tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 40,53 triệu USD, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là nhiều nhất.
Cụ thể, 7 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được 2.050 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 3,89 triệu USD.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển wuốc gia Trung Quốc (NDRC), trong tháng 7/2021, quy mô đàn lợn nái của Trung Quốc giảm 0,5% so với tháng 6/2021, sau khi giá lợn sống giảm khiến nhiều nông dân phải từ bỏ những con lợn nái kém năng suất, đây là lần đầu tiên trong gần 2 năm, quy mô đàn lợn nái của Trung Quốc giảm.