Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Già lụ khụ vẫn chưa được công nhận trưởng thành

Lễ trưởng thành là một nghi thức bắt buộc đối với các chàng trai Gia Rai, Ê Đê khi đến tuổi trưởng thành. Thế nhưng, thực tế có nhiều người cho tới lúc già lụ khụ vẫn chưa được công nhận trưởng thành, do nhà nghèo không sắm được lễ vật cúng tế ...

 

Ông Y Phắc Siu uống rượu cần để làm lễ.

Trong vòng đời của đàn ông Gia Rai, Ê Đê, cứ đến lúc đủ sức gánh vác mọi công việc của buôn làng, nhất định phải thực hiện một nghi thức trọng đại - lễ trưởng thành.

Người Ê Đê gọi là lễ Mpú, thường được tổ chức ở độ tuổi 18 -25, tuỳ vào điều kiện kinh tế gia đình mà làm sớm hay muộn.  Với lễ trưởng thành, già làng phải thay mặt cả buôn và họ tộc chàng trai làm lễ cúng Giàng (thần linh). Lễ bắt đầu bằng nghi thức rửa mặt ngoài bến nước. Từ sáng sớm, trong bộ trang phục truyền thống, chàng trai ra bến nước gội đầu, rửa mặt trước sự chứng kiến của bà con. Tắm gội xong, chàng trai hứng đầy bầu nước mang về .

Trong nhà, các lễ vật đã bày sẵn gồm thịt heo, rượu cần... Thủ heo bày ở giữa, một dải thịt dài cuốn vòng cây cột buộc ché rượu cần. Thầy cúng khấn cám ơn Giàng, mời Giàng về chứng kiến việc trao vòng đeo tay - biểu tượng của cuộc sống và sức mạnh, tạo bước ngoặt cho cuộc đời của chàng trai Ê Đê. Từ đây, chàng trai được công nhận là người đã trưởng thành, có thể chủ động những việc lớn cho đời  mình như lập gia đình hay ra ở riêng.

Già Ama Dua (67 tuổi, buôn Trinh, thị xã Buôn Hồ) cho biết: Đối với người Ê Đê, việc cúng lễ này được tổ chức năm lần, do cha mẹ đẻ sắm sửa đồ lễ. Nếu cha mẹ không có điều kiện, anh chị em có thể cúng thay. Phải trải qua năm lần làm nghi lễ trưởng thành, người đó mới thật sự trưởng thành. Lần đầu tiên, cúng một chóe rượu và một con gà. Lần thứ hai cúng ba choé rượu và ba con gà. Lần thứ ba cúng ba choé rượu và một con heo. Lần thứ tư cúng năm choé rượu và một con heo thiến lớn đủ thết đãi cả làng ăn một bữa. Lần thứ năm cúng bảy chóe rượu và một con heo thiến. Làm đủ thủ tục trưởng thành nếu tính theo giá cả hiện nay không dưới 50 - 60 triệu đồng, nên nhiều người đàn ông dù đã lấy vợ đẻ con, thậm chí bạc đầu rồi nhưng nghèo quá, vẫn dành dụm chưa đủ để làm lễ.

Họ hàng dự lễ trưởng thành.

Tháng 6/2016, ông Y Phắc Siu (sinh năm 1967, trú buôn A, thị trấn Ea Súp) sung sướng khoe vừa làm xong lễ trưởng thành. “ Từ nay mình sẽ được sống thoải mái, từ bây giờ sức khỏe là của bản thân mình, không còn phụ thuộc vào thần linh. Lễ trưởng thành cho mình làm trong căn nhà truyền thống của đồng bào Gia Rai, gồm 11 chóe rượu cần, 5 - 6 con gà, một con heo. Đầu tiên cúng thần nhà, cúng lại người cúng, sau đó mới cúng cho người trưởng thành, rồi cúng lại chủ nhà nơi mình làm lễ  gồm cha, mẹ, chú bác… Làm lễ xong, suốt buổi chiều bà con họ hàng xa gần tới dự tiệc, rất vui.

Một cán bộ phòng Quản lý văn hóa, sở Văn hóa Thể thaoDu lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đồng bào Ê Đê và Gia Rai quan niệm lễ trưởng thành là nghi thức quan trọng, đánh dấu lúc con người chính thức được cộng đồng thừa nhận làm chủ cuộc sống của mình. Trong đó phần cầu sức khỏe cho người đến tuổi trưởng thành rất được chú trọng, vì đồng bào tin rằng nhờ đó con người mới đủ sức chống chọi với thiên nhiên, làm ra nhiều của cải vật chất.

Làm đủ thủ tục trưởng thành nếu tính theo giá cả hiện nay không dưới 50 - 60 triệu đồng, nên nhiều người đàn ông dù đã lấy vợ đẻ con, thậm chí bạc đầu rồi nhưng nghèo quá, vẫn dành dụm chưa đủ để làm lễ.