Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Gia nhập TPP sẽ nâng cao vị thế Việt Nam

Chiều 9/10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo chia sẻ những thông tin cơ bản về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được 12 nước thành viên đàm phán thành công vào ngày 5/10 vừa qua.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam, cho biết chưa thể công bố chi tiết các điều khoản, cam kết trong hiệp định do các nước thành viên còn hoàn tất khâu dịch thuật, rà soát pháp lý tại nước mình. Thời điểm công bố sẽ được ấn định chung cho cả 12 thành viên, dự kiến vào khoảng giữa tháng 10/2015.

Nhìn thẳng vào khó khăn

Về thương mại hàng hoá, riêng với mặt hàng nông sản, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, các mặt hàng mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP (Australia, New Zealand, Chile) có thế mạnh thì sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn và thịt gà. Đây là những mặt hàng ta sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu.

Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn vì những sản phẩm này ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, trong nước dù sao cũng đã quen với cạnh tranh đó là sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Khánh cũng khẳng định: “Chăn nuôi sẽ khó khăn nhưng đây không phải lần đầu tiên ta hội nhập. Ta đã tham gia ASEAN, WTO nhiều Hiệp định FTA khác thì ngành nông nghiệp đã phải có quá trình chuẩn bị. Chính phủ từ trước đến nay rất quan tâm đến chăn nuôi. Chưa bao giờ Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu với mặt hàng này nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta xóa bỏ vì thế đoàn đàm phán cũng đã tính đến việc có lộ trình để đối mặt với khó khăn. Tôi khẳng định, ngành chăn nuôi nếu tính từ năm nay sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi chịu sức ép từ TPP”.

Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh không lớn vì sản phẩm của ta hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi các sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

Về việc mở cửa thị trường dịch vụ-đầu tư với lo ngại ảnh hưởng đến quyền chủ động của Nhà nước trong quản lý. Nhưng, ông Trần Quốc Khánh khẳng định, việc mở cửa thị trường không ảnh hưởng tới quyền áp dụng các biện pháp quản lý, không mang tính phân biệt đối xử, theo các tiêu chí minh bạch.

“Nói cách khác, TPP chỉ làm tăng cạnh tranh thương mại, không ảnh hưởng tới quyền của Nhà nước. Vì vậy sẽ không gây ra tác động bất lợi cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”, Thứ trưởng nói.

Kỳ vọng sẽ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020 và 33,5 tỉ USD vào năm 2025.

Trước những nghi ngại của dư luận về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi phải đối mặt với những đối thủ lớn, Thứ trưởng cho rằng Việt Nam tham gia TPP là vì lợi ích quốc gia, vì các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Đồng thời, kết quả đàm phán đạt được là hài hoà và chấp nhận được. Do đó, ông tin rằng doanh nghiệp Việt đủ sức đương đầu với những thách thức mới.

Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các "ông lớn" như Mỹ, Nhật Bản, Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa Việt Nam sẽ tạo cú hích lớn. Riêng với dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo tính toán, cứ một tỉ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Tính tổng chung, xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỉ USD vào năm 2025.

Ông Khánh cho hay, hiện Việt Nam đều đang xuất siêu sang các nước lớn trong TPP như Mỹ, Nhật Bản, Australia… và có cơ cấu bổ sung nhiều hơn nên xuất khẩu sẽ tăng hơn nhập khẩu.

“Do đó, không có cơ sở cho rằng tham gia TPP thì nhập siêu sẽ tồi tệ đi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về giá hàng hóa nhập khẩu sau khi gia nhập TPP, Thứ trưởng Khánh cho hay thuế nhập khẩu từ 12 nước thành viên sẽ giảm đi, làm cơ sở để giá giảm. Tuy nhiên, việc giá hàng hóa có giảm trên thực tế hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như sức mua, lạm phát trên thị trường. Bên cạnh đó, với thuế và phí nội địa, TPP không can thiệp vào vấn đề nội bộ quốc gia, do đó Chính phủ các nước vẫn có quyền duy trì các khoản này.

Về đầu tư, một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ, tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh hơn, là điều kiện quan trọng để Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển các ngành mới, có hàm lượng công nghệ cao.

“Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP”, ông Trần Quốc Khánh nhận định.

Theo Phan Trang/Chinhphu.vn