Cấp cứu hơn 10 trường hợp xuất huyết não nặng chỉ trong 2 tuần
Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh mới tiếp nhận số lượng bệnh nhân xuất huyết não gần đây tăng đột biến. Theo Bs.CKI Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Trưởng Đơn nguyên phẫu thuật thần kinh cột sống, cho biết: "Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng từ 30-40 ca xuất huyết não và ngày càng có xu hướng gia tăng. Đặc biệt chỉ trong 2 tuần trở lại đây, bệnh viện đã cấp cứu hơn 10 trường hợp xuất huyết não nặng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tình trạng tăng đột biến, đáng báo động hiện nay".
Một trường hợp tiếp nhận gần đây là bệnh nhân Vũ Thị D. ở Tiên Yên bị xuất huyết não nguy kịch. Khi vào viện, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê, mất nhận thức, không xác định được thời gian đột quỵ. Chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh chảy máu lan tỏa tất cả khoang màng não do vỡ phình mạch giãn não thất. Bệnh nhân tiếp tục được các bác sĩ phẫu thuật thần kinh mổ dẫn lưu não thất ra ngoài. Hiện, tình trạng bệnh nhân tiến triển tích cực, ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân tỉnh mở mắt và vận động nhẹ nhàng.
Hay một trường hợp phức tạp khác là bệnh nhân Lương Thị S. có tiền sử bệnh suy tim, rung nhĩ, điều trị thuốc chống đông thường xuyên. Bệnh nhân bất ngờ hôn mê, mất nhận thức. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết chảy máu lan tỏa 2 bán cầu, xét nghiệm thấy tình trạng rối loạn đông máu. Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận xử lý tình trạng rối loạn đông máu, sau 12h các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh thực hiện mổ cấp cứu lấy máu tụ, tình trạng sức khỏe người bệnh đến nay tiến triển tích cực.
Theo BS.CKI Nguyễn Tiến Dũng, xuất huyết não hay xuất huyết nội sọ là một loại đột quỵ thường gặp, chủ yếu gặp ở nhóm người cao tuổi, với độ tuổi trung bình từ 50 - 70, thường có tiền sử bệnh mãn tính: tăng huyết áp, đái tháo đương, nhất là đối với người bệnh không được điều trị thường xuyên.
Ngoài ra còn nhiều yếu tố nguy cơ khác: lối sống lười vận động, lạm dụng rượu bia hay do bẩm sinh… có thể gây ra tình trạng này. Khác với nhồi máu não là do quá trình cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn thì xuất huyết não là một dạng tai biến mạch máu não xảy ra khi mạch máu não đột ngột vỡ khiến máu tràn vào mô não gây tổn thương, phù não, tụ máu làm gia tăng áp lực lên các mô xung quanh, chèn ép gây giãn não thất. Nếu không được xử trí kịp thời, người bệnh có thể bị những di chứng thần kinh nặng nề, thậm chí tử vong.
Bệnh nhân được cấp cứu trong khoảng "thời gian vàng"
Theo BS.CKI Nguyễn Tiến Dũng, gần đây, bệnh viện còn tiếp nhận không ít ca xuất huyết não nặng khác có kết quả điều trị khả quan nhờ quá trình chẩn đoán nhanh chóng, chính xác bằng các thiết bị tiên tiến, hiện đại: máy CT 512 lát, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp mạch số xoá nền DSA… cùng kinh nghiệm chuyên môn vững vàng của đội ngũ bác sĩ đã lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp khi xử trí các ca chảy máu não nặng nề, phức tạp.
Tuy nhiên, đối với đột quỵ não nói chung và xuất huyết não nói riêng thì yếu tố quan trọng nhất là bệnh nhân được cấp cứu trong khoảng "thời gian vàng". Theo bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Dũng cho biết: "Việc xác định thời gian bệnh nhân bắt đầu bị xuất huyết não rất quan trọng, ảnh hưởng đến phác đồ của bác sĩ, bởi ở mỗi khung giờ sẽ được xử lý bằng phương pháp khác nhau để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Trong vòng 2-4 giờ đầu, bệnh nhân chảy máu não cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và điều trị kịp thời.
Gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh gần đây tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đột quỵ. Song điều đáng nói là không ít các ca nhập viện muộn, chậm trễ nên việc điều trị hạn chế, phục hồi rất chậm, để lại di chứng kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống về sau, thậm chí tử vong ngay khi đến viện".
CKI Nguyễn Tiến Dũng lưu ý khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế có đủ phương tiện chẩn đoán, cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt bởi thời gian là tính mạng, càng lâu thì tỷ lệ tử vong càng cao hoặc di chứng tàn phế nặng nề.
Đặc biệt, không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà bởi điều đó vô tình kéo dài thời gian và đánh mất cơ hội sống của chính người bệnh.