Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Gia tăng tình trạng thanh thiếu niên đua xe trái phép

Cùng với tình trạng trẻ hóa các loại tội phạm hình sự, thời gian qua, các đối tượng thanh thiếu niên điều khiển xe máy phóng nhanh, lạng lách, gây rối trật tự công cộng; tụ tập đua xe và cổ vũ đua xe trái phép có dấu hiệu gia tăng tại nhiều địa phương, đe doạ sự an toàn của người tham gia giao thông.

2_pepo

Đâu là nguyên nhân?

Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục tổ chức các đợt mật phục, truy bắt, xử lý, nhưng tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách, nẹt pô, gây rối trật tự công cộng, đe dọa sự an toàn của người tham gia giao thông vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ðáng chú ý, ngày càng có nhiều các đối tượng là trẻ vị thành niên, học sinh tham gia và cổ vũ đua xe như một hình thức để thể hiện sự trưởng thành.

Lý giải cho tình trạng gia tăng các nhóm thanh thiếu niên tụ tập đua xe, nhiều ý kiến cho rằng, do bước vào tuổi mới lớn, trẻ em thường có nhu cầu khẳng định bản thân, không muốn bị chê là nhát, là kém, đặc biệt là thích các trải nghiệm cảm giác mạnh nên dễ bị rủ rê, lôi kéo tham gia các hoạt động đua xe. Ban đầu, có thể chỉ là những hành vi thiếu ý thức, nhưng tham gia vài lần không bị ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc sẽ hình thành nên thói quen vi phạm pháp luật.

Mặt khác, hiện nay hạ tầng giao thông ở nhiều địa phương rất tốt, phương tiện cá nhân như xe máy đã phổ cập cũng là những yếu tố thuận lợi cho các nhóm thanh thiếu niên tụ tập đua xe. Hơn nữa, ở nhiều địa phương, việc đua xe của giới trẻ lại được nhiều người dân thiếu ý thức cổ vũ, thậm chí là ngăn cản những người thi hành công vụ trong việc chặn bắt, xử lý các đối tượng thanh thiếu niên tham gia đua xe, từ đó tạo điều kiện cho nạn đua xe trái phép tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là sự thiếu quan tâm, quản lý, giám sát của gia đình. Nhiều phụ huynh mua xe máy cho con, thậm chí cả xe phân khối lớn nhưng không kiểm tra, giám sát, nhắc nhở con về ý thức chấp hành pháp luật, an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên ở trường học, trong cộng đồng dân cư chưa thường xuyên và chưa hiệu quả. Nhiều ban, ngành ở một số địa phương còn xem nhẹ công tác phòng chống đua xe trái phép, coi đây là việc của lực lượng công an nên chưa triển khai các hoạt động phòng ngừa.

Ảnh 2

Giải pháp nào để có thể dẹp nạn đua xe?

Công tác điều tra cho thấy, tận dụng lợi thế của mạng xã hội, các nhóm đua xe tại nhều tỉnh, thành có sự liên kết, tạo diễn đàn để trao đổi, chia sẻ thông tin về cách thức đua xe; tổ chức đua xe và quay clip cho lên các nhóm kín để so độ “ngầu” và khẳng định đẳng cấp. Việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các nhóm đua xe, nhất là những thành viên đã bị bắt, bị khởi tố ở những địa phương khác nhau cũng giúp các đối tượng còn lại học được những mánh khoé, thủ đoạn hòng qua mặt cơ quan chức năng trong các đợt truy bắt.

Thực tế 2 năm vừa qua cho thấy, những vụ đua xe mặc dù gây bức xúc trong dư luận nhưng chủ yếu chỉ bị xử lý hành chính. Ít vụ việc bị xử lý hình sự do gặp nhiều khó khăn để xác định hành vi đua xe trái phép. Cùng với đó là các mức xử phạt chưa tương xứng với hành vi nguy hiểm mà các đối tượng gây ra nên các đối tượng tỏ ra “nhờn luật”, tiếp tục vi phạm. Chưa kể, lực lượng chức năng các tỉnh, thành giáp ranh nhau chưa có sự phối hợp, dẫn đến tình trạng các đối tượng tổ chức đua xe khi bị xử lý lần thứ nhất ở tỉnh này lại chuyển qua tỉnh khác để đua, và nếu bị bắt thì chỉ xem là vi phạm lần đầu nên không xử lý hình sự được.

Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, trong năm 2020, lực lượng chức năng toàn quốc đã phát hiện 803 vụ có hành vi điều khiển xe chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. Qua đó, tạm giữ 1.807 đối tượng, khởi tố 12 vụ, truy tố 69 đối tượng.

Trong năm 2021, phát hiện 537 vụ (giảm khoảng 1/3 so với năm 2020), tạm giữ 3.681 (tăng gấp 2 lần so với năm 2020). Tuy nhiên, cũng chỉ khởi tố có 11 vụ và truy tố 75 đối tượng.

Ðã có nhiều ý kiến tranh luận về việc có nên tăng mức hình phạt để giảm tình trạng đua xe và chế tài nghiêm khắc hơn đối với người giám hộ đối tượng là trẻ vị thành niên. Trong khi các ý kiến tranh luận còn chưa ngã ngũ, thì các đối tượng là thanh thiếu niên ngày càng tỏ ra “khôn ngoan” trong việc thực hiện các vụ đua xe và cũng manh động, liều lĩnh hơn khi chúng sẵn sàng lao thẳng vào lực lượng Cảnh sát giao thông khi bị ngăn chặn.

Cũng từ thực tế này, thời gian qua, các đơn vị Cảnh sát hình sự, Cảnh sát giao thông tại TP Hà Nội đã có những thay đổi trong công tác giám sát, tuần tra, mật phục, dùng camera để ghi lại các hành vi đua xe, gây rối để làm bằng chứng, cũng như kết hợp với thông tin từ người dân cung cấp để làm căn cứ xử lý.

Theo thống kê, chỉ riêng trong những tuần đầu của tháng 3/2022, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã bắt giữ 226 phương tiện, 443 đối tượng, trong đó lập hồ sơ truy tố 149 đối tượng, đa phần từ dưới 16 đến dưới 18 tuổi. Trong đó, có nhiều đối tượng mang theo hung khí, chạy xe tốc độ cao đuổi nhau qua nhiều tuyến phố gây náo loạn và khiếp sợ cho người đi đường.

Vẫn biết việc truy bắt, xử lý những đối tượng này là trách nhiệm của các đơn vị công an, tuy nhiên, chỉ dựa vào lực lượng này thì khó có thể xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên đua xe trái phép. Từ sự thiếu hiểu biết, nhận thức lệch lạc của giới trẻ, cùng sự thiếu quan tâm, giáo dục, nhắc nhở của phụ huynh, chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở, nên nhiều thanh thiếu niên không nhận ra những hiểm họa từ việc đua xe trái phép.

Việc tham gia đua xe trái phép không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn là hiểm họa, gây bất an cho mọi người. Do đó, việc phòng, chống thanh thiếu niên đua xe trái phép cần phải có sự vào cuộc tích cực, nghiêm túc của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Trong năm 2021, lực lượng chức năng phát hiện 537 vụ đua xe (giảm khoảng 1/3 so với năm 2020), tạm giữ 3.681 đối tượng

(tăng gấp 2 lần so với năm 2020).