Đang trong độ tuổi học nói thì lại phải nghỉ học do dịch COVID-19 kéo dài, đây là một trong những nguyên nhân khiến số trẻ mầm non chậm nói có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây. Cùng với đó là những nguyên nhân khác mà nếu không được phát hiện kịp thời, từ tình trạng chậm nói có thể dẫn đến những bệnh lý khác ở trẻ.
Đối tượng đến khám do chậm phát triển ngôn ngữ, tinh thần tại Bệnh viện Nhi Trung ương chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi, cá biệt có cả trẻ dưới 6 tuổi. Qua thăm khám, đánh giá, các bác sĩ thấy rằng nguyên nhân chủ yếu do tác động của dịch COVID lên gia đình và trẻ nhỏ. Đặc biệt, trẻ sinh ra trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài không có cơ hội tương tác xã hội, trong khi đó, thời gian tiếp xúc thiết bị thông minh quá nhiều, điều này khiến trẻ không có nhu cầu giao tiếp. Đáng lo ngại, nhiều bậc phụ huynh còn chưa thực sự quan tâm đúng mực đến vấn đề này ở trẻ.
Theo TS.BSCKII Trịnh Quang Dũng - Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương: "Rất nhiều người nhầm lẫn khái niệm giữa chậm phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, tinh thần với một số bệnh lý khác như rối loạn tự kỷ, tăng động, rối loạn hành vi khác. Rất nhiều người tự lên mạng tìm hiểu và tự đưa ra cách can thiệp. Một tình trạng nữa là cố tình lãng quên, đứa trẻ hơn 1 tuổi, 2 tuổi vẫn bảo "ngày xưa bố mẹ nó cũng chậm nói nên nó chậm nói là đương nhiên".
Theo các bác sĩ, khi khả năng ngôn ngữ chậm sẽ dẫn tới một số kĩ năng khác cũng bị hạn chế theo như thu mình, không muốn tiếp xúc với thế giới xung quanh, nhút nhát, không tự tin và có thể ảnh hưởng cả tới chỉ số IQ, chỉ số cảm xúc. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ tăng động, giảm chú ý, tư duy logic ngôn ngữ của trẻ bị hạn chế, thậm chí tự kỷ.
Các bác sĩ khuyến cáo các gia đình cần quan tâm, để ý đến những mốc phát triển cơ bản của trẻ, phát hiện kịp thời những bất thường, tránh để lại những hậu quả không đáng có về sau.